Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

BÁT QUÁI ĐỒ THIÊN XƯA VÀ NAY 3/6

BÁT QUÁI ĐỒ THIÊN
CAO BẠCH LIÊN
Hà Tiên là một dải đất hẹp ven biển, có đầy đủ vũng vịnh, sông núi, hang động, hải đảo.... Cảnh quan nơi đây rất đẹp. Khi làm chủ soái Tao Đàn Chiêu Anh Các tại Hà Tiên, vào năm 1737 Mạc Thiên Tứ ([1]) cho khắc in tập thơ chữ Hán nhan đề Hà Tiên Thập Vịnh.([2])
Hiện nay Hà Tiên là thị xã ở phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, Bắc giáp Campuchia, Đông và Nam giáp huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang), Tây giáp vịnh Thái Lan. Phường Tô Châu của Hà Tiên có hai ngọn núi Tiểu Tô Châu và Đại Tô Châu hùng vĩ. Giữa hai dãy núi là một thung lũng rộng, lồi lõm, tĩnh lặng và hoang sơ, có một con suối chảy giữa thung lũng. Nơi đây có nhiều đường giao thông thủy bộ giao nhau, lưu thông khá tiện lợi.
Từ năm 1935 trở đi, cơ Trời vận chuyển. Có nhiều đàn cơ dạy tạo tác Bát Quái Đồ Thiên. Thầy chuyển Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang và Đầu Sư Ngọc Thiệu Nguyệt, cùng bảy vị Thất Tinh (Thành, Thinh, Phùng, Tuất, Kiêm, Quang, Thích) đến vùng núi Tô Châu ở Hà Tiên định vị cuộc đất để xây dựng Bát Quái Đồ Thiên. Nơi đây đã có mười một hộ dân đến khai khẩn, nhưng sinh sống không được nên đồng ý bán lại khu đất. Phối Sư Trương Mỹ Thạnh vâng lệnh Ơn Trên đứng tên hợp thức hóa giấy tờ.
Đức Mẹ dạy:
Cảnh Bát Quái Hóa Công tạo lập
Ngày cuối cùng sẽ gặp huyền vi…
 Năm 1936 Thầy kêu gọi cả Tam Giang (Tiền, Trung, Hậu Giang) cùng lo tạo tác Bát Quái Đồ Thiên, vì nơi đây sẽ là nơi quy nguyên thống nhứt nền Đạo:
Bát Quái Đồ của Thầy tạo lập
Khuyên nữ nam bồi đắp quả công
Cả kêu con Lạc cháu Hồng
Nghe lời Thầy dạy tấm lòng chớ nguôi…([3])
. . . Bát Quái Đồ không rẽ tư riêng
Con ôi Trung, Hậu, với Tiền
Quy về một mối nắm giềng đạo Cao…([4])
Thầy tả cảnh Bát Quái Đồ Thiên:
Hai bên hai dãy non thần
Trước hồ sau biển bốn phần tiếp liên
Ấy là cảnh Đồ Thiên Bát Quái
Nhìn các con lưỡng phái xôn xao
Thầy đang ngự chốn Thiên Tào
Chạnh lòng vì trẻ xót bào vì con
Trên cây mọc đầu non xanh biếc
Dưới các con mài miệt quả công
Nữ trông mong nước chảy ròng
Đặng lo đào đất đáy sông đắp bờ
Vậy mới rằng con thơ thương Đạo
Vậy mới là trò thảo thương Thầy
Xác phàm dù có đắng cay
Tấm lòng đạo đức tiến hoài lên cao
Dưới Đông Hồ sóng xao lã chã
Trên các con nghĩa cả đáp đền
Nam lo đào đất xây nền
Nhọc nhằn song chí vững bền chẳng than
Vậy mới rằng trải gan phơi mật
Vậy mới rằng sự thật bồi công…([5])
Vâng lệnh Thầy, nhiều chức sắc, chức việc, tín đồ Cao Đài khắp Tam Giang đến tham gia công quả. Về phái nữ có Đầu Sư Nhiến, Ốc, Ngưu, Trang; phái nam có Giáo Sư Ngô, cùng nhiều vị chức sắc và đạo tâm lo khai hoang, đào đất hai bên triền núi Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu để lấp dòng suối, san mặt bằng, tạo thành một khu đất rộng rãi cao ráo, để tạo tác ngôi Bát Quái Đồ Thiên.
Ngôi Bát Quái Đồ Thiên được định vị ngay trên dòng suối, nằm giữa thung lũng, mặt hướng về phía Bắc, nhìn ra Đông Hồ, sau lưng cách hơn năm trăm thước là biển mênh mông.
Đức Lý Giáo Tông lãnh lệnh Tam Giáo Tòa vẽ sơ đồ xây dựng Bát Quái Đồ Thiên trong ba ngày và cho làm mô hình theo tỷ lệ để tạo tác đúng theo Thiên ý và phải hoàn thành trong ba năm.
Khi vẽ khu Bát Quái Đồ Thiên, Đức Lý còn để dành lại một khu đất phía sau Bát Quái Đồ Thiên, dài một trăm ba mươi tám thước, rộng hơn năm mươi thước. Như vậy, nơi ấy còn dài và rộng hơn khu đất đang xây dựng Bát Quái Đồ Thiên. Khu đất “để dành” này trồng trọt hoa màu đều không có kết quả, chỉ có cỏ mọc lưa thưa.
Đức Lý tả cảnh Bát Quái Đồ Thiên:
Tô Châu hai dãy kiểng ([6]) thiên hương
Ác xế ([7]) ngậm vành đượm chuỗi thương
Von vót đỉnh thần mây ngậm núi
Lơ thơ rừng trước ([8]) cỏ đeo sương.
Đông Hồ ánh nguyệt chiếu mây qua
Như kéo nhau về cảnh giái ba ([9])
Ngư phủ ngẩng đầu nhìn ác xế
Tiều gia ([10]) trố mắt ngắm trăng tà
Non xanh nước biếc tình lai láng
Cảnh cũ người qua nghĩa mặn mà.
Thầy giao cho bốn vị Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, Đầu Sư Phan Văn Thiệu, Phối Sư Huỳnh Ngọc Tồn, và Phối Sư Trương Mỹ Thạnh chịu trách nhiệm về nội dung và hình thức ngôi Bát Quái Đồ Thiên. Các vị bên Hội Thánh Tiên Thiên chịu trách nhiệm vận động cho cuộc tạo tác.
Công cuộc xây dựng trải qua ba thời kỳ:
1. Kỳ một (1936-1937):
Thành lập Ban Trị Sự tạm thời: Trương Mỹ Thạnh, Trần Lợi, Phan Văn Tòng, Phan Văn Thiệu, Nguyễn Tấn Hoài, Nguyễn Bửu Tài, Nguyễn Văn Đước, Phan Bá Phước.
Ban Tạo Tác: Trương Mỹ Thạnh (chủ trưởng), Huỳnh Ngọc Tồn (chánh đốc công), Hà Văn Điền (chánh thủ bổn), Huỳnh Văn Thông (chánh từ hàn), Nguyễn Hồng Xuân (phó từ hàn).
Ban Trị Sự và Ban Tạo Tác phần đông là các vị trong hàng Thất Thánh của Hội Thánh Tiên Thiên, và các vị chức sắc của Minh Chơn Đạo Hậu Giang.
Ngày 01-9 Đinh Sửu (04-10-1937) tiền bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang và tiền bối Đầu Sư Thượng Hoài Nhật làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Bát Quái Đồ Thiên.
2. Kỳ nhì (1937-1938):
Thầy giao cho Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang chủ trì kỳ nhì. Ban Cai Quản được bầu cử gồm có: Nguyễn Tấn Hoài (hội trưởng), Nguyễn Thế Hiển (chánh thủ bổn), Phan Văn Thiệu (chánh từ hàn), Trần Lợi (chánh hộ viện), Phan Văn Tòng (phó hộ viện), Huỳnh Ngọc Tồn (chánh đốc công), Lê Kim Tỵ (phó đốc công), Trương Mỹ Thạnh (ngoại giao), Thái Nhi Thanh (thủ bổn viên).
3. Kỳ ba (1938-1939):
Thầy giao Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (Hội Thánh Minh Chơn Đạo) chủ trì. Chánh đốc công là tiền bối Lê Kim Tỵ, phó đốc công là tiền bối Huỳnh Ngọc Tồn.
Bầu hai Ban Cai Quản:
Ban Cai Quản phái nam: Đầu Sư Ngọc Thiệu Nguyệt (chánh hội trưởng), Giáo Sư Ngọc Ngô Thanh (phó hội trưởng), Giáo Sư Thượng Đẩu Thanh (chánh thủ bổn), Ngọc (phó thủ bổn), Đá (chánh từ hàn), Huỳnh Văn Thông (phó từ hàn).
Ban Cai Quản phái nữ: Đầu Sư Nhiến Hương (chánh hội trưởng), Đầu Sư Ốc Hương (phó hội trưởng), Giáo Hữu Đinh Hương (chánh thủ bổn), Giáo Hữu Thị Hương (phó thủ bổn), Lễ Sanh Mười Hương (chánh từ hàn), Lễ Sanh Phụng Hương (phó từ hàn).
Bầu Ban Tiếp Sự gồm mười vị chức sắc do Đầu Sư Thượng Hoài Nhựt phụ trách.
Ban Hộ Viện kiền thiềng có sáu vị chức sắc phụ trách.
Ban Hộ Viện vận động có ba mươi vị đại diện cho hai mươi hai thánh thất và thánh tịnh của Tam Giang.
Đứng đầu công quả trong ba kỳ tạo tác, về vận chuyển cát, đá, ô dước từ Phú Quốc về xây dựng Bát Quái Đồ Thiên có ba vị rất dày công là ông Năm Bùng, ông Năm Lộc, ông Tư Vân.
Với quyết tâm đẩy mạnh công cuộc tạo tác Bát Quái Đồ Thiên, đêm 16-3-1940 tại Hà Tiên, một đại hội được tổ chức, gồm quý tiền bối: Trần Đạo Quang, Cao Triều Phát, Lê Kim Tỵ, Phan Văn Thiệu, Trương Mỹ Thạnh… cùng đông đảo các chức sắc. Đại hội quyết định phải hoàn thành bản vẽ thi công và hợp đồng với nhà thầu chuyên nghiệp để sớm hoàn thành công trình, và Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang phải thường xuyên có mặt tại Bát Quái Đồ Thiên đôn đốc việc tạo tác.
Thầy dạy:
Đồ Thiên Thầy muốn mau thành
Con ôi, nam nữ vẫn đành khoanh tay
Nhìn trẻ dại lòng Thầy đau quặn
Ngó con thơ lai láng dòng châu
Bởi con, Thầy mới khổ sầu
Không rồi Bát Quái, Đạo đâu đặng thành
Thầy ví dụ một gành sa mạc
Sóng đưa bồi từ hột cát lên
Là nhờ sóng nọ chí bền
Đem từ hột cát làm nên mũi gành
Còn Bát Quái Cao Xanh ([11]) chuyển dựng
Mấy triệu con chen đứng Đạo Thầy
Muốn cho đồng cả để tay
Mỗi con một ít cho Thầy chấm công
Ngày phán đoán Đại Đồng ban thưởng
Cả các con đồng hưởng ơn y
Mới làm vui đẹp lòng Thầy
Đứa không đứa có dạ này đâu yên
Thầy Thượng Đế đủ huyền diệu pháp
Muốn cho mau nháy mắt cũng thành
Để chi ([12]) giáng bút đêm thanh
Nhủ khuyên hết tiếng trẻ hành trẻ không
Vì luật cả ([13]) đại đồng Tam Giáo
Là trường thi của đạo Cao Đài
Mới là chờ đợi con đây
Không thì Thầy sẽ dời đi cảnh ngoài…([14])
Các chức sắc, tín đồ rất quyết tâm công quả trong việc tạo tác Bát Quái Đồ Thiên, nhưng xây dựng ba năm vẫn chưa xong. Đức Lý xin Thầy tiếp tục thêm một năm nữa (1940), cũng không hoàn thành.
Bát Quái Đồ Thiên tuy mới xây xong Hiệp Thiên Đài và nền móng, cột của Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài so với sơ đồ Ơn Trên vẽ chưa được một nửa, nhưng trông đã quy mô đồ sộ.
Tác giả Chơn Tâm tả:
“Bát Quái Đồ Thiên là một cảnh chùa rộng rãi có một kiến trúc đặc biệt, cất giữa hai rặng núi Đại, Tiểu Tô Châu, mặt hướng về phía Bắc với cảnh Đông Hồ bát ngát, phía sau lưng, chừng năm trăm thước là biển cả mênh mông... Cảnh chùa Bát Quái xây bằng bê tông cốt sắt, tuy chỉ mới cất xong phân nửa theo kiểu mẫu kiến trúc của Thiêng Liêng chỉ vẽ, song cũng rất rộng rãi cao lớn...” ([15])
Năm 1940 thực dân Pháp khủng bố, bắt bớ nhiều chức sắc, chức việc và tín đồ Cao Đài; đóng cửa, niêm phong các thánh thất của Minh Chơn Đạo Hậu Giang; cấm không cho bổn đạo tập trung cúng bái. Bát Quái Đồ Thiên cũng bị niêm phong, bị cắt chữ vạn ([16]) và cấm không cho xây dựng tiếp. Vật liệu bị giặc tịch thu chở đi. Các chức sắc, chức việc, đạo tâm của Tam Giang phải bỏ dở dang công quả, lần lượt trở về hội thánh của mình. Còn một số ở lại, và hơn hai trăm vị đã hy sinh trong quá trình tạo tác Bát Quái Đồ Thiên phải gửi thân xác lại khu An Dưỡng Địa gần bên Bát Quái Đồ Thiên.
Việc tạo tác Bát Quái Đồ Thiên chậm một phần do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc đóng góp công quả của tín đồ sút kém, nên không đáp ứng đủ kinh phí cho việc xây dựng. Nhưng nguyên do chủ yếu là thực dân Pháp ngăn cấm xây dựng. Bát Quái Đồ Thiên sau bốn năm tạo tác vẫn không hoàn thành.
Tác giả Chơn Tâm viết:
“Cuộc xây dựng Bát Quái Đồ Thiên nửa chừng bỏ dở, ấy cũng do Thiên ý, mặc dầu có bao nhiêu tín đồ quyết chí hoàn thành. Là vì trong lúc đang tạo tác thì có một đàn thánh giáo ở đảo Phú Quốc tiên tri cảnh Bát Quái ở giai đoạn đầu chỉ là bán Đồ Thiên (…) phải đợi ngày đạo thành, Tam Giang hiệp nhứt quy về mới cất xong.”
Lúc này giặc Pháp đóng cửa chùa, không cho cúng lễ. Phần lớn bổn đạo tản mác về chợ Hà Tiên, hoặc vào vùng sâu để sinh sống. Còn một nhóm ba bốn chục tín đồ Cao Đài Hậu Giang vẫn thản nhiên bám trụ.
Về phần đông bổn đạo tản về núi Trầu, tiền bối Huỳnh Ngọc Tồn cho cất một thánh thất tạm để bổn đạo thờ cúng. Năm 1948 quân Pháp nhảy dù xuống núi Trầu, thiêu hủy thánh thất và hơn năm trăm nhà dân, trong đó có khoảng một trăm nhà của bổn đạo. Bổn đạo Bát Quái Đồ Thiên dời về Lung Lá (Kiên Lương) để sinh sống rồi cất thánh thất tạm thờ Thầy ở đây.
Năm 1940 Thầy dạy:
Đạo đời kết chặt cứu non sông
Đời đạo cùng nhau một giống dòng
Trong lúc dầu sôi cơn lửa phỏng
Muôn dân đau khổ mãi thêm chồng
Giang sơn gấm vóc đang chìm đắm
Nhân loại đau thương thấy chạnh lòng
Con hỡi con ơi, gìn lý Đạo
Cứu nhà, cứu nước, cứu non sông.
Về địa hình thì vị trí Bát Quái Đồ Thiên khá hiểm trở. Khi đến Hà Tiên quân Nhật đã chiếm Bát Quái Đồ Thiên làm nơi trữ vũ khí, lương thực, quân nhu.
Rồi giặc Pháp trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa. Do chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Bát Quái Đồ Thiên đành phải chịu thiêu hủy. Ngày nay còn thấy phần Bát Quái Đồ Thiên bị cháy đen và sụp đổ, là chứng tích một thời ly loạn.([17])
Suốt trong hai thời kỳ chiến tranh, bổn đạo Bát Quái Đồ Thiên phải vượt qua nhiều gian truân thử thách trong cuộc sống nghèo khó. Anh Lớn Huỳnh Ngọc Tồn tổ chức làm nhang, dệt vải bán để có tiền mua gạo ăn và giúp đỡ người quá khó khăn.
Đầu năm 1947 họ đạo Bát Quái Đồ Thiên bầu lại Ban Cai Quản và Ban Chấp Hành Cao Đài Cứu Quốc tỉnh Hà Tiên:
- Ban Cai Quản: Nguyễn Triệu Kha (tức Chơn Tâm, chánh hội trưởng), Nguyễn Công Luật (phó hội trưởng), Nguyễn Thiện Lai (thủ bổn), Mai Hữu Thành (từ hàn).
- Ban Chấp Hành Cao Đài Cứu Quốc tỉnh Hà Tiên: Nguyễn Công Luật (hội trưởng), Nguyễn Văn Thích (phó hội trưởng), Dương Văn Quảng (tổng thơ ký),
Phạm Ngọc Yến (thủ bổn).
Năm 1954 bổn đạo lần lượt trở về Bát Quái Đồ Thiên sinh sống.
Năm 1955 cất thánh thất bằng cây lá để có chỗ thờ phượng và tu hành.
Thánh thất bị hư hoại theo thời gian, đã cất lại ba lần.
Năm 2004-2005 họ đạo xây lại thánh thất kiên cố, có đủ tam đài. (Địa chỉ: số 166 đường Nam Hồ, khu phố 4 phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.)
Ngày 01-9-2005 lạc thành thánh thất Bát Quái Đồ Thiên, cũng là dịp kỷ niệm sáu mươi chín năm tạo tác Bát Quái Đồ Thiên.
Ngày 01-9-2011 họ đạo Bát Quái Đồ Thiên tổ chức lễ kỷ niệm bảy mươi lăm năm ngày tạo tác Bát Quái Đồ Thiên. Họ đạo cũng lấy ngày này làm giỗ lớn của họ đạo, tưởng nhớ các tiền nhân của Tam Giang khi xưa đã vâng lời Thầy, xả thân vì Đạo trong những năm tạo tác gian nan nguy hiểm, và đã gởi thân tứ đại lại mảnh đất xây dựng Bát Quái Đồ Thiên.
Thời gian trôi nhanh, những nấm mồ không bia mộ, không rõ danh tánh, quê hương, thậm chí hầu hết mộ bị lạn, không còn thấy rõ nấm mộ nữa!
Để tri ân các bậc tiền nhân, các vị đạo tâm họ đạo Bát Quái Đồ Thiên dù có nhiều khó khăn, đã quyết tâm xây dựng An Dưỡng Địa, để các vị tiền nhân có nơi yên nghỉ trang trọng, xứng đáng, và để cho thế hệ tiếp nối ghi nhớ mãi công đức những bậc tiền nhân.
Ngày 16-01 Nhâm Thìn (07-02-2012) bổn đạo dọn nền.
Ngày 09-02 Nhâm Thìn (28-02-2012) chính thức làm lễ khởi công An Dưỡng Địa. Có một nhà ngoại cảm ở thành phố Hồ Chí Minh đến giúp xác định từng nơi có mộ, nên việc bốc mộ rất chính xác, không mất thì giờ đào kiếm. Mặt khác các vị tiền bối rất linh thiêng phù trợ cho mọi việc đều suôn sẻ, nhanh chóng đến không ngờ!
(Khi nhà ngoại cảm từ thành phố Hồ Chí Minh đến thánh thất Bát Quái Đồ Thiên, mới nhìn hiện trạng đã buột miệng nói: “Cảnh chùa này phải to lớn hơn thế nữa mới phải?” Nhưng ông không giải thích thêm.)
Ngày 17-3 Nhâm Thìn (07-4-2012) bổn đạo bốc cốt.
Ngày 20-3 Nhâm Thìn (10-4-2012) bốc xong hai trăm lẻ chín ngôi mộ và đưa về đền thờ các vị tiền bối tại Bát Quái Đồ Thiên.
Ngày 01-6 Nhâm Thìn (19-7-2012) bổn đạo đưa cốt từ đền thờ các vị tiền bối đến đặt trên nền An Dưỡng Địa. Tổng số hai trăm mười hai mộ, trong đó có ba mộ trống (không có cốt).
Ngày 01-9 Nhâm Thìn (15-10-2012) được sự chấp thuận của Hội Thánh Minh Chơn Đạo và chính quyền địa phương, bổn đạo Bát Quái Đồ Thiên tổ chức lễ lạc thành An Dưỡng Địa Bát Quái Đồ Thiên. Có mặt gần năm trăm tín đồ Cao Đài cả Tam Giang tham dự, gồm có: Hội Thánh Cao Đài Bạch Y, Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu, Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội Thánh Cao Thượng Bửu Tòa, Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo…
*
Nhiều đạo tâm ở họ đạo Bát Quái Đồ Thiên, cũng như những người đã tìm hiểu về những lời tiên tri của Ơn Trên, đều tin tưởng rằng ngày quy nguyên thống nhứt của Đại Đạo sẽ được diễn ra ở đây, và cuộc đất Ơn Trên còn để dành, sẽ dùng để xây lên một cảnh nguy nga đồ sộ của nền Đại Đạo thống nhứt.
Thầy dạy:
Nền công quả Đồ Thiên ráng lập
Cho có nơi học tập đạo lành
Có cơ có sở tu hành
Ngàn năm lưu tiếng Cao Xanh giáo truyền
Các con chí hiệp cần chuyên.([18])
Thầy dạy:
Tuân hành cơ lý đạo Kỳ Ba
Con ráng theo cơ chuyển biến mà
Quân tử cửa nhà trong bốn biển
Ngày sau cây nhánh được thêm hoa.([19])
Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch dạy:
Đạo nắm trọn cơ quan vũ trụ
Gieo giống lành làm chủ năm châu
Từ đây khắp cả hoàn cầu
Âu ca lạc nghiệp dưới bầu trời chung.([20])
CAO BẠCH LIÊN
Tân Định, tháng 3-2012
Bổ túc: tháng 10-2012



Ban Ấn Tống chú thích:
([1]) Mạc Thiên Tứ 鄚天賜, cũng gọi Mạc Thiên Tích 鄚天錫 (1718-1780), là con Tổng Binh Mạc Cửu 鄚玖 (1655-1735). Khi cha qua đời (1735), ông nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn vinh, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng Binh Đại Đô Đốc. Ông có công bảo vệ đất Hà Tiên, nhiều lần đánh tan các cuộc xâm lấn của quân Xiêm La và quân Chân Lạp.
([2]) Hà Tiên Thập Vịnh 河仙十詠 gồm ba trăm hai mươi bài thơ thất ngôn bát cú, trong đó có mười bài xướng của Mạc Thiên Tứ, và số còn lại là bài họa của ba mươi mốt thi nhân ở Trung Quốc và ở Việt Nam.
Mười bài xướng được Mạc Thiên Tứ xếp theo thứ tự từng đôi một, như sau:
 Kim Dữ Lan ĐàoBình San Điệp Thúy.
Tiêu Tự Thần ChungGiang Thành Dạ Cổ.
ƒ Thạch Động Thôn VânChâu Nham Lạc Lộ.
Đông Hồ Ấn NguyệtNam Phố Trừng Ba.
Lộc Trĩ Thôn CưLư Khê Ngư Bạc.
([3]) Linh Thiên Quang, 14 rạng 15-7 nhuần Mậu Dần (08-9-1938).
([4]) Linh Thiên Quang, 14 rạng 15- 9 Đinh Sửu (17-10-1937).
([5]) Linh Thiên Quang, 29 rạng 30-7 Bính Tý (15-9-1936).
([6]) Kiểng: Cảnh.
([7]) Ác xế: Mặt trời chiều.
([8]) Rừng trước: Rừng trúc.
([9]) Giái ba: Giới ba, hạ giới, trần gian. (Hai giới còn lại là thượng giới và trung giới.)
([10]) Tiều gia: Người đốn củi.
([11]) Cao Xanh: Trời, Hóa Công, Thượng Đế.
([12]) Để chi: Để làm chi.
([13]) Luật cả: Luật lệ lớn lao, trọng đại.
([14]) Linh Thiên Quang, 14 rạng 15-7 nhuần Mậu Dần (08-9-1938).
([15]) Chơn Tâm, “Tô Châu Khói Lửa”, nguyệt san Đạo Đời, số 6, năm 1954, tr. 26.
([16]) Nghị Định số 72 ngày 03-5-1940 của Toàn Quyền Đông Dương Joseph Jules Brévié cấm treo cờ phướn có dấu hiệu chữ Vạn. Các thánh sở Cao Đài thường gắn chữ Vạn [hay ] trên mái, nóc vì thế đều bị liên lụy. Lý do có lịnh cấm này vì trong Thế Chiến thứ Hai (1939-1945), lá cờ Đức Quốc Xã có dấu hiệu chữ Vạn nghiêng . (Huệ Khải, Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 20. (Quyển 53 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([17]) Ngày 20-8-2013, Ban Ấn Tống nhận được thư của Anh Lớn Đầu Sư Thượng Sáng Nhựt cho biết: Giặc Pháp định chiếm Bát Quái Đồ Thiên làm căn cứ vững chắc, làm tiền đồn bảo vệ tỉnh Hà Tiên, vừa làm bàn đạp hành quân đánh phá vùng căn cứ kháng chiến. Để phá tan âm mưu đó và không để cho giặc lấy nơi tôn nghiêm của Đạo làm chỗ gây tội ác, khi được Ban Chấp Hành Trung Ương Cao Đài Cứu Quốc chấp thuận, họ đạo đã tự nguyện phá sập ngôi Bát Quái Đồ Thiên.
Anh Lớn Thượng Đầu Sư kèm theo “Giấy xác nhận thành tích” của hai ông Nguyễn Ngọc Lầu và Cao Trọng Giảng:
 Ông Nguyễn Ngọc Lầu sinh năm 1912, là Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh tỉnh Hà Tiên, rồi tỉnh Long Châu Hà từ năm 1945 đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Ông về Nam nghỉ hưu tại nhà số 17 Tú Xương, phường 7, quận 3, TpHCM. Ngày 10-11-1999, ông xác nhận: “Trong kháng chiến chống Pháp, anh em Cao Đài Minh Chơn Đạo đã quyết định thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đã tự nguyện phá hoại công trình của Bát Quái Đồ Thiên để giặc không nơi đóng quân đánh phá cách mạng. Khi Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Tỉnh bị máy bay giặc uy hiếp, chùa Cao Đài đã giao một bộ phận của chùa cho Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Tỉnh đóng cơ quan, sau đó đạo hữu đã thực hiện [chủ trương] vườn không nhà trống, tản cư về vùng giải phóng ở núi Trầu…” Ông viết thêm: [Thánh thất] hiến một đại hồng chung và đồ thờ cúng bằng đồng thau nộp cho công binh xưởng 18 để sản xuất vũ khí chống giặc, và chức sắc cùng tín đồ Minh Chơn Đạo một lòng tham gia kháng chiến cứu nước.”
Ông Cao Trọng Giảng sinh năm 1915, là Phó Chủ Tịch, Trưởng Ty Kinh Tế tỉnh Hà Tiên trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Ông tập kết ra Bắc năm 1954, trở về Nam năm 1975, nghỉ hưu tại nhà số 16 Nguyễn Thi, phường 13, quận 5, TpHCM. Ngày 01-9-2000, ông xác nhận: “Năm 1948 bổn đạo Cao Đài Tô Châu [Bát Quái Đồ Thiên] tự nguyện phá hoại thánh thất theo lời kêu gọi của tỉnh hòng ngăn ngừa địch sang đóng đồn ở Tô Châu, thực hiện vườn không nhà trống, đưa nhau ra cất thánh thất bằng tre lá ở Lung Lớn.”
([18]) Linh Thiên Quang, 28 rạng 29-8 Đinh Sửu (02-10-1937).
([19]) Bát Quái Đồ Thiên, đêm 30-10 Mậu Dần (21-12-1938).
([20]) Phú Quốc, đêm 15-8 Ất Sửu (02-10-1925).