KINH THÁNH TÂN ƯỚC QUA GÓC
NHÌN CAO ĐÀI
THIỆN
QUANG
Bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là một tuyên ngôn về sự khai mở
cơ phổ độ Nhị Kỳ của Thiên Chúa Giáo. Hầu hết những tư tưởng căn bản của Kinh
Thánh Tân Ước, và nói chung của giáo lý Kitô, đều xuất hiện trong bài giảng
này. Sau đây là một số ý lớn của bài giảng.
1. Khẳng định lại giá trị của Cựu Ước
“Anh em
đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không
phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi
trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật cũng không thể qua đi
được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” ([1])
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, có
những quyển sách viết về giới luật và lời tiên tri. Lời dạy trên đây chính là
Chúa đề cập đến các phần này của Cựu Ước.
Luật pháp của Cựu Ước, một mặt
giống như giới luật Phật Giáo, quy định khuôn khổ đạo đức cho tín đồ (Thánh Môsê
dạy cấm sát sanh, cấm trộm cắp, cấm tà dâm, cấm vọng ngữ…); mặt khác giống như
đường lối của Nho Giáo, thiết lập kỷ cương cho xã hội (Thánh Môsê dạy lễ,
nghĩa, hiếu, để…).
Giá trị của luật pháp này không
phải là một giá trị tôn giáo, mà là một giá trị Đại Đạo. Vì vậy, Chúa dạy dân
chúng rằng trong thời kỳ cứu độ mới mà Chúa đang khai mở, không thể nào bỏ luật
pháp ấy được, dù chỉ là những vấn đề nhỏ nhặt nhất, cho đến khi nào mọi người
trong thế giới này đã trở nên toàn thiện toàn mỹ:
“Vì,
Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề
luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” ([2])
Đọc toàn bộ Tân Ước, ta không
tìm thấy chỗ nào Chúa Giêsu phủ
nhận Cựu Ước, hoặc cho Cựu Ước là xưa, là lỗi thời. Ngược lại, Ngài mặc nhiên
nhìn nhận Cựu Ước là một nền tảng trong giáo huấn của mình. Chính công cuộc
giáo huấn Nhị Kỳ cũng được Ngài thực hiện như là sự chú giải và triển khai tinh
thần của Cựu Ước.
Không chỉ riêng Đức Giêsu mà các vị giáo chủ trong Nhị Kỳ
đều làm như thế.
Đức Thích Ca khẳng định rằng Ngài
chỉ giảng lại giáo pháp của ba đời chư Phật.
Đức Khổng Tử nói rằng Ngài chỉ thuật
lại lý đạo của cổ nhân: Thuật nhi bất
tác, tín nhi hiếu cổ. (Luận Ngữ VII, 1)
Đến Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế dạy
rằng Ngài dùng tinh ba của Tam Giáo để lập Đạo.
Những sự kiện đó cho thấy Đại
Đạo muôn đời vẫn là Đại Đạo. Vì vậy, Đại Đạo tuy lúc ẩn lúc hiện theo thiên thời
hoặc do nhân tâm, nhưng không hề vì lâu đời mà thành ra cũ kỹ, lạc hậu.
2. Về Thế Đạo: Tạo thế nhân hòa
Một trong những vấn đề lớn nhất
mà Chúa Giêsu dạy nhân sanh, là
tạo thế nhân hòa. Mặc dù những lời giảng của Ngài luôn luôn xoay quanh một
trung tâm điểm là Thượng Đế, nhưng Ngài vẫn khẳng định rằng sự hiện hữu của tôn
giáo là để hoàn hảo hóa con người, chứ không phải để duy trì đơn thuần những
tập quán thờ cúng Thượng Đế, vốn là những tập quán sẽ trở nên vô nghĩa nếu tách
rời với mục đích giáo hóa nhân loại.
Vào thời ấy, tín đồ Cựu Ước
đang bảo thủ một sinh hoạt tôn giáo chỉ gồm những nghi thức thờ cúng và những
xét nét cố chấp về vấn đề giới luật, mà bỏ quên việc gìn giữ đạo lý thật sự
trong lòng mỗi người, và quên thực thi tình hòa ái giữa người nầy với người
khác.
Vì vậy, thế nhân hòa giữa con
người với con người được Chúa đặt lên một vị trí còn cao hơn cả những nghi lễ
của con người đối với Thượng Đế:
“Vậy,
nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ rằng người kia đang có
chuyện bất bình với anh em, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ mà đi làm hòa
với người ấy đã, xong rồi trở lại dâng lễ vật của anh em.” ([3])
Căn bản của nhân hòa là tình
thương, một tình thương vong ngã (quên cái ta của mình) mà người tín đồ Thiên
Chúa phải thực hiện cụ thể bằng lòng nhẫn nhục và đức hy sinh vô giới hạn trong
mọi hành vi ứng xử trước thế nhân.
“Còn
Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác. Trái lại, nếu bị ai vả má bên
phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh em để lấy áo trong
của anh em, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh em đi một
dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh em hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh em đừng ngoảnh
mặt đi.” ([4])
“Anh em
đã nghe luật dạy rằng hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo
anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (…) Vì nếu
anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những
người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình
thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? (…) Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.” ([5])
Như vậy, để tạo được nhân hòa,
người tín đồ Thiên Chúa phải có được hạnh bác ái, đức từ bi. Nhưng đó là những
điều kiện ở mức độ cao nhất. Nếu chưa đạt được đến những hạnh đức ấy, tối thiểu
người tín đồ cũng phải giữ được hạnh công bình.
“Anh em
đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì
anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì
Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh em thấy cái rác trong con
mắt của người khác, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?
Sao anh em lại nói với người khác ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’,
trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh em? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà
ra khỏi mắt mình trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người khác.” ([6])
“Thật
vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ
cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ
không tha lỗi cho anh em.” ([7])
Và dù ở chặng đường tu học nào
đi nữa, lòng khiêm tốn vẫn luôn là thước đo trình độ đức hạnh của người tín đồ.
“Khi
làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ
thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban
thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả
thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. (…) Còn
anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố
thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả
công cho anh em.” ([8])
Nhìn theo quan điểm thế nhân,
những lời giảng dạy trên đây của Chúa cho phép khẳng định rằng Thiên Chúa Giáo
là một tôn giáo nhân bản, bởi vì tôn giáo này không hướng về việc thờ cúng thần
linh, mà hướng về việc hoàn hảo hóa con người và xã hội; hơn nữa, thực hiện
đường hướng đó bằng một phương cách đầy tình người.
Nhìn theo quan điểm Cao Đài,
Thiên Chúa Giáo rõ ràng là một hiện thân đầy đủ của Đại Đạo, vì chìa khóa để
giải quyết mọi vấn đề nhân sinh của tôn giáo này là tình thương, một tình
thương tuyệt đối vượt qua khỏi vòng đối đãi thông thường của thế gian.
3. Về Thiên Đạo: giải thoát tâm linh
“Vì vậy
Thầy bảo cho anh em biết: Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho
thân thể lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng
trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu
tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý
giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời
mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì?
Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học. Chúng không
làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết, ngay cả vua Salômôn,
dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ
ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như
thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng
tự hỏi ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây. (…) Cha anh em trên trời thừa biết
anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời và đức công
chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng
lo lắng về ngày mai; ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày
ấy.” ([9])
“Nước Trời” trong lời giảng của Chúa không
mang ý nghĩa vật lý (ví dụ: một thế giới khác, một khu vực khác trong vũ trụ…)
mà mang ý nghĩa tâm linh: Đó là nhân bản, là chân tâm hằng tại ở mỗi con người,
mà cũng là trạng thái giác ngộ, trạng thái giải thoát của nội tâm ra khỏi những
vướng bận thường tình, dù vẫn còn đang sống trong xã hội nhân sanh. Và “đức
công chính” ở đây có
nghĩa là chân lý, đạo lý.
Đức Chúa Giêsu không bảo nhân sanh phải từ bỏ
những nhu cầu vật chất thiết yếu trong đời sống thường nhật, cũng không bảo
nhân sanh sống ỷ lại vào Thượng Đế; nhưng nếu con người hoàn toàn không nhận
thức được sự an bài của Thượng Đế, thì mọi cố gắng của con người trong cuộc đời
trước sau cũng đều hướng vào việc giải quyết những ham muốn về vật chất; và nếu
thế thì tư tưởng con người tất yếu phải bị lệ thuộc nhiều vào vật chất.
Vì vậy, Chúa nói về sự an bài
của Thượng Đế là để dẫn dắt nhân sanh trở về với đời sống tâm linh. Hơn nữa,
Ngài nhấn mạnh đến sự đối lập giữa tính chất giả tạm của cuộc sống vật chất và
giá trị vĩnh cửu của cuộc sống tâm linh để từ đó, Ngài chỉ ra con đường tu tâm
cho các tín đồ:
“Anh em
đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ
trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên
trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi
được. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.” ([10])
Điểm cốt yếu trong tâm pháp của
Đức Chúa Giêsu chính là sự quán
xét thân tâm. Chúa dùng hình tượng con mắt
để dạy sự quán xét ấy. Không phải chỉ luôn luôn quán xét mình để khỏi phạm lỗi
lầm, mà còn phải đề phòng rằng chính sự quán xét của mình cũng bị chìm trong vô
minh lầm lạc:
“Ðèn
của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt sáng, thì toàn thân anh em sẽ sáng. Còn
nếu mắt anh em xấu, thì toàn thân anh em sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh em lại
thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” ([11])
Đọc đến những lời giảng về
Thiên Đạo trên đây của Chúa, ta không khỏi liên tưởng đến chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm của Đức Thích Ca: Chánh
pháp nằm ngay trong đôi mắt (sự quán xét của trí huệ) và cảnh giới niết bàn nằm
ngay trong nội tâm (sự thanh tịnh của chân tâm); và gần gũi hơn là ý nghĩa
Thiên Nhãn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: Nhãn
thị chủ tâm… Như vậy, phải chăng ta có thể kết luận rằng điểm cốt yếu trong
tâm pháp của các tôn giáo như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo… là duy nhất? Điểm duy
nhất ấy phải chăng chính là chánh pháp Đại Đạo?
Để kết thúc bài giảng đầu tiên,
Chúa đã căn dặn các môn đệ của mình, không phải chỉ là những môn đệ đang hiện
diện trong khung cảnh lịch sử lúc bấy giờ, mà là cho mọi môn đệ ở muôn đời sau:
“Vậy ai
nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây
nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp
đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra
thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước
cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.” ([12])
Lời nhắn nhủ lịch sử này nếu
trở thành những điều tâm niệm của mọi tín đồ Thiên Chúa Giáo thì cuộc diện thế
giới giờ đây có lẽ sẽ khác đi biết bao. Thiên Chúa Giáo đã được Đức Chúa Giêsu đặt trên một nền tảng vững vàng
là nền tảng Đại Đạo, bao gồm một trụ cột về thế đạo là tình thương và một trụ
cột về Thiên Đạo là ý thức phản tỉnh. Nhưng cũng như mọi tôn giáo khác, Thiên
Chúa Giáo không phải chỉ được tạo dựng trong lịch sử một lần cho mãi mãi, mà
mỗi môn đồ của Đấng Cứu Thế dù ở vào thời đại nào cũng phải tự xây đắp cho chính
mình một Thiên Chúa Giáo nội tại trên nền tảng Đại Đạo kiên cố ấy. Được như vậy
thì nhân loại sẽ không bao giờ phải chứng kiến sự kiện “gặp mưa gió thì nhà đổ”
như Chúa đã từng căn dặn.
II. NƯỚC TRỜI
Đây là một chủ đề lớn của Phúc
Âm. Nước Trời hay nước Thiên Đàng trong Kinh Thánh Tân Ước là một trạng thái
giác ngộ tâm linh do từng cá nhân chứng nghiệm, hoặc một đạo quả được Thượng Đế
ân ban qua con đường mạc khải. Pháp môn để đạt được trạng thái hay đạo quả đó
thuộc về phần tâm truyền của Thiên Chúa Giáo. Còn phần giáo lý về đạo quả đó
thì được trình bày trong Kinh Thánh Tân Ước qua những dụ ngôn (parables) của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, cốt tủy của phần
giáo lý này lại là cái rất khó lãnh hội, đến nỗi khi Chúa giảng giải, có nhiều
tín đồ bỏ Ngài mà đi vì cho rằng lời giảng của Ngài nghe giống như lời người
mất trí. Biết căn trí của nhân sanh như vậy, nên sau những lời giảng ấy, Ngài
dường như chỉ nhắc nhở chứ không yêu cầu: “Ai có tai thì nghe”. ([13])
1. Đường đến Nước Trời: cơ phân phàm lọc
thánh
Con đường đến Nước Trời là con
đường phản bổn huờn nguyên. Con đường đó tuy không dành sự ưu đãi cho riêng ai,
nhưng không phải ai ai cũng có thể gặp; mà dù gặp, không phải ai cũng có thể
đi; và dù đi, không phải ai cũng có thể đến. Chính tấm lòng của mỗi người là một
chiếc sàng để sàng lọc người ấy. Nói về điều này, Chúa dùng một dụ ngôn:
“Kìa người gieo giống đi ra gieo
giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc
đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc
ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên
bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có
những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt
được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”
([14])
Người gieo giống là Chúa. Hạt
giống là những lời đạo lý. Nhân sanh với vô lượng căn trí là những mảnh đất
khác nhau.
Có những người chưa đủ cơ
duyên, nghe mà không hiểu, nên quỷ dữ đến và cướp đi những gì đã gieo được
trong lòng họ (chim
chóc đến ăn mất); khi đó, lời đạo lý giống như
những hạt bị rơi dọc đường.
Có những người thuộc hàng nông
nổi, khi nghe thì vui mừng nhận lãnh, nhưng lúc gặp nghịch cảnh thì lại dễ dàng
rời bỏ đạo lý (cây bị cháy, chết khô); trường
hợp này, lời đạo lý giống như hạt gieo nhằm nơi đá sỏi.
Có những người tuy có lòng cầu
đạo, nhưng tâm còn quá vướng bận việc đời; những bận rộn về thế sự sẽ mỗi ngày
một gia tăng giống như bụi gai mỗi ngày một rậm rạp, làm cho đường đạo bị cản
trở, nên tuy có tu học mà không có kết quả.
Sau cùng, có những người biết
bền bỉ giữ gìn và một lòng thực hiện những lời đạo lý đã nghe được, thì tùy
theo nỗ lực của người ấy mà kết quả sẽ là một trăm, sáu mươi, hoặc ba mươi lần
nhiều hơn những gì đã tiếp nhận được ban đầu.
Không phải ai cũng có được cơ
duyên để gặp được đường về Nước Trời. Thế nhưng những người đương thời lại
thường không hiểu được rằng sinh ra trong thời kỳ mở đạo là một cơ duyên không
dễ gì mà có. Thấy nhân sanh còn vô minh, nên Chúa đã nhắc nhở về cơ duyên ấy:
“Còn
anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được
nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã
mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang
nghe, mà không được nghe.”
([15])
Nhưng vào thời kỳ mở đạo nào
cũng thế, hễ đạo khai thì tà khởi. Nếu không quyết lòng thì con người dù có may
duyên đến đâu, vẫn không thoát khỏi cơ phân phàm lọc thánh. Dạy về điều đó,
Chúa dùng một câu chuyện dụ ngôn khác:
“Nước
Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người
đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.
Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Ðầy tớ mới đến thưa
chủ nhà rằng: ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao?
Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?’ Ông đáp: ‘Kẻ thù đã làm đó!’ Ðầy tớ nói: ‘Vậy
ông có muốn chúng tôi ra nhặt đi không?’ Ông đáp: ‘Ðừng, sợ rằng khi nhặt cỏ
lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt
đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” ([16])
Chúa giải thích:
“Kẻ
gieo hạt giống tốt là Thiên
Chúa. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng
là con cái ác thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế.
Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi
thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.” ([17])
Thiên Chúa không tiêu diệt ma
quỷ trước ngày phán xét, vì chính những khảo thí của ma quỷ sẽ xác định giá trị
cho những ai xứng đáng để vào được Nước Trời.
Nhìn trên một phương diện hơi
khác đi, ta thấy “con cái của Nước Trời” hay “con cái của ma quỷ” cũng
đều nằm trong chính ta. Nếu trong lòng ta, lúa lấn át được cỏ dại, thì tự nhiên
ta sẽ được tuyển dụng trong cơ phân phàm lọc thánh; ngược lại, nếu để cỏ dại
mọc quá mạnh và lấn át cả lúa, thì sớm muộn gì ta cũng bị sa thải. Đó là bài
thi của chính ta, Thiên Chúa không thể can thiệp được.
2. Nước Trời: chân như bản thể
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn
giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi
bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” ([18])
Trong lời giảng này, Chúa dùng
hình ảnh một “kho báu chôn giấu trong ruộng” để nói rằng chân
như bản thể là một kho báu tiềm ẩn trong con người. Người mà đạt được đến chỗ
nhìn thấy chân tánh của mình (tìm được kho tàng), thì họ lại không phô bày đạo
quả ra ngoài cho nhân thế biết (chôn vùi kho tàng trở lại), và họ sẵn sàng từ
bỏ tất cả mọi cái có thông thường của thế gian như danh lợi, tiền của… để gìn
giữ đạo quả đó.
Để đến được Nước Trời, con
người phải khôi phục lại trạng thái tâm linh hồn nhiên như lúc ban sơ chưa
nhiễm bụi trần.
“Thầy
bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được
vào Nước Trời.” ([19])
Với một cái nhìn đối chiếu, ta
thấy chỗ mà Chúa Giêsu dạy môn
đồ “trở
lại mà nên như trẻ em”, cũng chính là chỗ Lão Giáo dạy về “xích tử chi tâm”, và cũng là điểm chí thiện trong quan niệm “nhân chi sơ tính bổn thiện” của Nho
Giáo. Điểm đó chính là bổn linh chơn tánh của con người, là nhân bản. Vì vậy,
quay trở lại điểm đó, như lời dạy của Chúa, chính là đường thẳng tiến đến Nước
Trời.
Trên đường về Nước Trời, nỗ lực
của mỗi người sẽ là yếu tố chủ yếu để kết thành đạo quả. Tuy vậy, sự đại ân xá
của Thượng Đế vẫn có. Chúa dạy các môn đồ thêm một dụ ngôn khác nữa:
“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa
tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa
thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.
Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng
ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả
cho các anh hợp lẽ công bằng.’ Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ
chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và
thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây
suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả
các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản
lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau
chót tới những người vào làm trước nhất.’ Vậy những người mới vào làm lúc giờ
mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những
người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ
lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: ‘Mấy người
sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi
là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu
đốt.’ Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất
công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy
phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng
được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì
là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ Thế là những
kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng
chót.” ([20])
Đại ân xá, đó là Thiên ý, con
người chúng ta không hiểu hết được, dường như đó là một ân ban, dành cho những
linh căn tuy đã đủ cơ duyên nhưng lại gặp quá nhiều nghịch cảnh nơi cõi thế
gian, để họ không bị trễ chuyến đò của một thời kỳ cứu độ. Từ dụ ngôn trên đây,
ta thấy được điều Chúa dạy: Trên đường về Nước Trời, mỗi con người đều phải
nhận thức được cái mà Thượng Đế đã dành cho mình để lấy đó làm nguồn trợ lực,
chứ không nên so sánh về số lượng ít nhiều, về giá trị thấp cao mà ân lành đã
dành cho người này chứ không cho người khác; bởi vì đó là những vọng niệm cản
trở bước tiến tâm linh của mọi người.
III. GIAO ƯỚC MỚI
Thánh sử của Chúa Giêsu thuật lại một công trình duy
nhất của Ngài: Đó là mang Giao Ước Mới từ Thượng Đế truyền đạt đến nhân sanh.
Giao Ước này có thể ví như một
bản Hợp Đồng, nhưng là Hợp Đồng phối kết giữa Thiên và nhân, bao gồm ơn cứu độ
từ phía Thượng Đế đối với nhân sanh và những nỗ lực tương xứng từ phía nhân
sanh.
Tất cả những điều được trình
bày ở các mục trên đã thể hiện một phần trong số những nội dung quan trọng nhất
của Giao Ước ấy.
Nếu rút gọn đến tận cùng, Giao
Ước này chỉ còn lại một ý niệm thiêng liêng duy nhất: Tình thương. Tân Ước quả thật chính là Giao Ước về tình thương.
Thượng Đế cứu độ nhân sanh bằng tình thương. Thế nên, với một nỗ lực tương
xứng, nhân sanh cũng hãy thỏa thuận với Đấng Tối Cao rằng mình sẽ chỉ dùng tình
thương để giải quyết mọi vấn đề nơi cõi thế.
Tình thương là pháp môn sơ khởi
mà cũng là pháp môn tối thượng của Thiên Chúa Giáo. Bất cứ lúc nào và nơi đâu,
nếu tình thương được khởi phát trong lòng bất kỳ một người nào, thì mối dây
liên lạc giữa Thượng Đế và người đó cũng tức thời được xuất hiện. Tình thương
là con đường phối Thiên (kết hợp cùng Trời), là con đường tiếp nhận những mạc
khải của Thượng Đế.
Sự tồn tại của Thiên Chúa Giáo
chính là để duy trì trong nhân loại bản Giao Ước về tình thương. Vì vậy, trước
khi trở về với Thượng Đế, trong bữa ăn cuối cùng với các sứ đồ, Đấng Kitô đã
khẳng định lại lời Giao Ước mà những vị kế thừa sẽ phải thi hành và lưu truyền
mai sau cho muôn ngàn thế hệ. Kinh Thánh có ghi lại sự kiện ấy:
“Cũng đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh,
dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn,
đây là mình Thầy.’ Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và
nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra
cho muôn người được tha tội.”
([21])
Tiếp nhận thân thể và máu huyết
của Chúa, đó là một cách nói theo phong cách của cổ ngữ Aram để diễn
đạt sự đồng nhất giữa chủ thể tiếp nhận với đối tượng được tiếp nhận.
Tình thương đến mức độ quên
mình, tình thương ở mức tối thượng, quả là một cái gì quá cao siêu đến nỗi
trong nhân loại ít có ai tin rằng sẽ có thể thực hiện được.
Nhưng Thượng Đế muốn mạc khải
cho thế gian biết rằng, cái tuy quá cao siêu ấy vẫn là một thực tại thật sự
hiện hữu trong nhân loại. Và mạc khải đó đã được thực hiện bằng những tấm gương
bất tử của hàng giáo tổ xuống trần mở đạo vào đầu Nhị Kỳ; mà tại Trung Đông,
điều đó đã được minh chứng qua cuộc đời thống khổ của Đức Chúa Giêsu. Vì vậy, việc đồng nhứt với Chúa
Giêsu mang ý nghĩa đồng nhất với
tình thương của Thượng Đế.
Nghi thức tiếp nhận thánh thể
của Thiên Chúa Giáo được lưu truyền cho đến ngày nay đã bắt nguồn từ bữa ăn
cuối cùng của vị Giáo Chủ ngày xưa, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự thấu
hiểu ý nghĩa Thiên nhân hiệp nhất ẩn chứa bên trong nghi lễ ấy, để gìn giữ vẹn
tròn lời Giao Ước với Thượng Đế.
*
Cũng như các tôn giáo khác
trong Tam Giáo Đạo (Phật Đạo, Tiên Đạo, và Thánh Đạo), Thiên Chúa Giáo chính là
Đại Đạo. Giáo lý Thiên Chúa Giáo là giáo lý Đại Đạo.
Trong Nhất Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ,
Đại Đạo không chỉ riêng có ở tôn giáo này hay tôn giáo khác, mà có trong mọi
tôn giáo ở mọi thời đại, mọi xứ sở. Đành rằng thời đại nào cũng có những tà
thuyết tự xưng là tôn giáo, nhưng chúng không tồn tại được qua những biến
chuyển thăng trầm của lịch sử. Trong khi đó, chánh giáo luôn luôn bất diệt.
Thật vậy, Thiên Chúa Giáo, Phật
Giáo. Tiên Giáo, Nho Giáo, cũng như bất kỳ một tôn giáo nào đã từng được xây
dựng trên nền tảng Đại Đạo, sẽ không bao giờ có thể biến mất trên hành tinh
này, chừng nào mà con người còn tồn tại; bởi vì các tôn giáo ấy là Đại Đạo, mà
Đại Đạo thì nằm ngay trong lòng người, và lưu truyền bất tận từ thế hệ này qua
thế hệ khác.
Khảo sát kinh điển và sử sách,
ta thấy những tôn giáo ấy đều có từ rất lâu ở Nhất Kỳ, rồi được chấn hưng ở Nhị
Kỳ, chứ không mất đi: Cựu Ước của Do Thái Giáo vẫn là móng nền cho Tân Ước của
Thiên Chúa Giáo. Kinh Vedas vẫn hiện diện trong giáo lý Đức Thích Ca. Căn bản
của Nho Giáo dù vào thời đại nào cũng vẫn được đặt trên Kinh Dịch.
Sự khai mở một thời kỳ cứu độ
mới hoàn toàn không có nghĩa là mọi tôn giáo của thời kỳ cứu độ trước đó phải
cáo chung. Ngược lại, sự khai mở này mang theo những thông điệp mới của Thượng
Đế để chấn hưng và truyền thêm sinh lực cho các tôn giáo trước đó.
Như vậy, vạn giáo phải tiếp tục
tồn tại trong Tam Kỳ Phổ Độ. Nhưng để duy trì sức sống mạnh mẽ của mỗi tôn
giáo, thì con người tôn giáo phải gắng sức giữ gìn sao cho chân truyền nguyên
thủy của tôn giáo mình không bị nhân tâm làm cho sai lạc rồi mai một.
Tuy nhiên, lịch sử đã lặp lại
một phần nào tương tự như giai đoạn đầu Nhị Kỳ; chân truyền của vạn giáo giờ
đây đã không còn được nguyên vẹn nữa. Thế nên, chỉ mong sao cho con người của
vạn giáo nhìn thấy được sự trở lại của Thượng Đế trong giai đoạn cứu thế mới
với những phương tiện mới, điều mà đa số tín đồ Cựu Ước ngày xưa đã không thấy
được ngay cả khi họ đối diện với một Đấng Kitô bằng xương bằng thịt.
Vai trò của Cao Đài đối với vạn
giáo là vai trò phục hồi chân truyền. Về phương diện thế sự nhân tình, Cao Đài Giáo
có lẽ ít nhiều sẽ không tránh khỏi tình huống mà cách đây gần hai ngàn năm
Thiên Chúa Giáo đã gặp phải: Cũng cùng là “mối Đạo Trời”, nhưng các tín đồ Cựu
Ước không nhìn nhận Chúa Giêsu
như một Thiên ân sứ mạng được Thượng Đế ban trao quyền pháp đạo để phục hồi
chân truyền Do Thái Giáo, vì họ nói rằng chỉ tin vào Môsê.
Những bài học của lịch sử các
tôn giáo tuy chưa được hệ thống thành những trang giáo khoa, nhưng cũng đã rất
rõ ràng để những người hướng đạo Cao Đài suy nghiệm.
Muốn độ đời, phải hòa lẫn với
đời; muốn phục hồi chân truyền của một tôn giáo, phải thâm nhập vào giáo lý của
từng tôn giáo. Thế thì, phải chăng chúng ta cần gắng công phát huy giáo lý Đại
Đạo ngay trong lòng giáo lý các tôn giáo bạn, bằng chính ngôn ngữ, sắc thái tôn
giáo bạn? Phải chăng đó là một phương cách chứa nhiều hy vọng rằng sẽ gặt hái
được nhiều kết quả tốt đẹp?
Trước thềm Giáng Sinh 1993
THIỆN QUANG
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo