Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

CÓ MỘT TÌNH THƯƠNG 2/8


Bác sĩ Cao Sĩ Tấn
Lời mở
Tôi viết tập sách nhỏ này vì thâm ân phụ tử, để ghi lại những gì tôi đã chứng kiến trong đời tiền bối Cao Sĩ Tấn. Ngài là một bác sĩ tài hoa quên mình tận tụy cứu giúp dân nghèo, một trí tuệ đã có nhiều ý tưởng cao siêu đi trước thời đại khoảng hơn nửa thế kỷ, và hơn hết thảy Ngài chính là một bậc chơn tu đắc đạo.
Tiền bối Cao Sĩ Tấn sanh ngày 07-6-1893 tại Chợ Lớn, là con trai thứ của ông Cao Đẩu Ngưu và bà Đỗ Thị Dương. Xuất thân trong một gia đình tên tuổi ở Nam Kỳ, tiền bối sớm trở thành một trí thức thành đạt:
1913 (Quý Sửu): đậu bằng Tú Tài.
1918 (Mậu Ngọ): đậu bác sĩ Y Khoa tại Hà Nội.
1925 (Ất Sửu): đậu bác sĩ Y Khoa tại Paris.
1926 (Bính Dần): đậu bác sĩ Nha Khoa tại Paris.
1927 (Đinh Mão): đậu các bằng chuyên khoa Mắt, Tai, Thẩm Mỹ, Phụ Khoa, và Nhi Khoa tại Paris.
Tiền bối kết hôn với một nữ bác sĩ Pháp, sanh được một gái. Sau đó tiền bối trở về Việt Nam mở phòng mạch tại số 20 đường Testard, Sài Gòn.([1])
Dẫu được hưởng vinh hoa phú quý, tiền bối Cao Sĩ Tấn vẫn không quên đông đảo đồng bào ruột thịt nghèo khổ, bệnh tật trong thời kỳ nước nhà điêu linh, loạn lạc. Do đó tiền bối đã khởi xướng chương trình Chẩn Tế và Khuyến Thiện, đào tạo các “trợ y sinh” để phụ giúp các thầy thuốc khám bệnh và chữa bệnh cho dân nghèo.
Là người từng tham gia chương trình Chẩn Tế và Khuyến Thiện nói trên, bà Phạm Thị Thiệt ([2]) có dịp bày tỏ như sau (viết tại Sài Gòn ngày 24-5-1995):
Chính tôi cũng đã từng là một trợ y sinh. Trong khoảng năm 1949-1950 tôi đã ở nhà Ngài (số 20 Testard, Sài Gòn), nấu cơm cho Ngài ăn. Mỗi ngày từ 6 giờ sáng tôi cùng các bạn trợ y sinh khác đạp xe chạy theo xe đạp của Ngài đến từng trụ sở Chẩn Tế và Khuyến Thiện, khởi đầu là trụ sở Xóm Chiếu, để giúp Ngài trong việc trị bịnh cho dân nghèo.
Sống gần Ngài tôi thấy thương và kính phục Ngài vô cùng. Thời đó, bác sĩ là thành phần cao sang, thế mà Ngài tự chọn một cuộc sống thanh bần. Ngài bảo đó là để cảm thông với cái khổ cực của lớp dân nghèo. Trong nhà xoong chảo tốt treo đầy bếp mà Ngài không dùng, lại mua đồ sành, đồ đất để nấu nướng. Còn thức ăn trong bữa cơm mỗi ngày thì Ngài chỉ hầm một nồi nhiều thứ rau cải, nêm chút muối, lấy nước làm canh, lấy cái chấm tương. Thế là đủ.
Ngài đúng là một vị chân tu đạo hạnh. Ngài rõ là tấm gương cho hậu lai vậy.
Con người giàu lòng bác ái ấy đã giác ngộ và dốc chí vào đường tu. Ngày xưa, người đời thường quan niệm rằng muốn tu hành đắc đạo thì phải qua Tây Tạng, Ấn Độ, hoặc các danh sơn Trung Quốc... Chí ít cũng phải xa lánh thế gian, lui về nơi rừng sâu núi thẳm ẩn thân tu luyện. Trái lại, tiền bối tu giữa chốn phồn hoa đô hội, vừa hành nghề tự nuôi thân vừa công phu (tu thiền) đầy đủ bốn thời, không xao lãng mảy may. Tiền bối quy thiên ngày 31-7-1974 (13-6 Giáp Dần) vào giờ Dậu, tại nhà số 166 đường Tự Đức, Sài Gòn.([3]) Nhục thể tiền bối được an táng tại nghĩa địa của Minh Lý Thánh Hội (Tam Tông Miếu), tại Phú Thọ Hòa (Sài Gòn).([4])
Quả thật tiền bối đã trải nghiệm được nếp sống “Cư trần bất nhiễm”, và đạt được điều thánh hiền xưa từng dạy: “Nhứt tu thị, nhị tu sơn.” Năm 1974 (Giáp Dần), tiền bối đắc vị Đạo Hạnh Kim Tiên. Cũng trong năm 1974, Ngọc Ánh Liên Đàn tiếp được một trong nhiều bài thi mà Ngài xưng danh là ĐẠO HẠNH KIM TIÊN CAO SĨ TẤN:
ĐẠO HẠNH lo tu rõ máy Trời,
KIM TIÊN nhắc nhở chớ buông lơi,
CAO Đài nhứt niệm tâm tu SĨ,
TẤN giáng đàn trung để ít lời.
Qua thánh ngôn, người nay biết thêm rằng Đức Kim Tiên là Chưởng Quản Vô Vi tại Đạo Hạnh Tịnh Đường (ở huyện Hóc Môn), để dìu dắt những đạo hữu có chí tu theo pháp môn tịnh luyện (thiền).
Tự biết dữ liệu thu thập nơi đây còn khá hạn hẹp, nên lòng tôi vẫn ước mong sau này sẽ có nhiều bậc thức giả, đạo tâm đồng cảm, trợ giúp thêm tài liệu để tập sách nhỏ này thêm đầy đủ, phong phú hơn. Giờ đây, trong khả năng hiện hữu, tôi cố gắng ghi chép lại hành trạng của tiền bối để tưởng nhớ một tấm gương tu hành cao khiết. Với tâm nguyện này, tôi xin mượn mấy vần thơ mộc mạc kính dâng Đức ĐẠO HẠNH KIM TIÊN, đấng tiền bối đã cống hiến cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp, lưu lại cho hậu thế một tấm gương sáng ngời từ buổi ấy:
Một kiếp tầm tu quá trọn lành,
Nguyện chèo bát nhã rước quần sanh.
Giúp đời nên đạo trong hoài bão,
Đỡ khó trợ nghèo chẳng lợi danh.
Khuyến Thiện dựng xây nền Chẩn Tế,
Vì dân bồi đắp khối công trình.
Nêu gương đạo đức đời mai hậu,
Siêu xuất nguơn thần luận tử sanh.
Lý tưởng thần kỳ xuất thế gian,
Mơ đời an lạc khắp dinh hoàn.
Diệt tiêu ác ý thời nguyên tử,
Thế giới hòa bình hết khóc than.
Vận động vạn linh tròn đạo lý,
Nguyện cầu Thượng Đế đặc ân ban.
Từ bi xây dựng tình nhân loại,
Hiệp chủng tạm cư cõi địa đàng.
Kính bút
Dưỡng nữ
Huỳnh Thị Tín




Các chú thích trong tập sách này do Ban Ấn Tống thực hiện.
([1]) Lúc đầu tên là đường Larclause nối dài. Ngày 24-02-1897 đổi tên là đường Testard. Ngày 22-3-1955 đổi tên là đường Trần Quý Cáp. Ngày 14-8-1975 đổi tên là đường Võ Văn Tần, thuộc quận 3.
([2]) Hiện ngụ tại bang California (Hoa Kỳ).
([3]) Ngày 04-4-1985 đổi tên là đường Nguyễn Văn Thủ, thuộc phường Đa Kao, quận 1.
([4]) Ngày 24-6-2006 dưỡng nữ Huỳnh Thị Tín cải táng, đưa về nghĩa địa Chiếu Minh (Cần Thơ) và xây tháp.