Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

CÓ MỘT TÌNH THƯƠNG 6/8

Tiền bối Cao Sĩ Tấn (1950)
Đường xa muôn dặm
Khoảng năm 1939-1940 tiền bối Cao Sĩ Tấn là trung tá quân y của quân đội Pháp và bị điều động qua Cam Bốt ([1]) một thời gian. Tại đó tiền bối mắc phải bịnh tiêu chảy rất nặng. Trước khi rời quê hương, tiền bối có mượn bà Ba Tiết mười ngàn đồng để lại cho gia đình chi dùng. Tiền bối giao bằng khoán ngôi biệt thự cho bà Ba Tiết giữ.
Cuối năm 1953 em ruột bà Ba Tiết là bà Tám Dung đến gặp tiền bối để yêu cầu tiền bối chuộc lại ngôi biệt thự theo thời giá, hoặc giao lại nhà để bà bán cho bác sĩ Dương Dậu. Lúc ấy tiền bối hoàn toàn không có khả năng tài chánh để chuộc lại nhà. Lý do cũng dễ hiểu là suốt từ năm 1948 trở đi tiền bối chỉ quên mình hành thiện độ đời, không hề lo kiếm tiền để tích lũy, và thật sự đã trở thành một “bần đạo” đúng theo nghĩa đen của danh từ.
Thình lình gặp cảnh bế tắc, tiền bối không khỏi phiền muộn ưu tư, nhưng vẫn giấu kín nỗi lòng, và tiếp tục công tác từ thiện.
Làm việc quên mình bấy lâu, sức khỏe có suy giảm theo tuổi tác, lại thêm tinh thần bị ảnh hưởng vì khoản nợ nần quá lớn, đầu năm 1954 tiền bối ngã bệnh, rồi bịnh tiêu chảy từng bị năm 1939-1940 khi ở bên xứ Chùa Tháp tái phát. Tiền bối sốt cao, không ăn uống được, sau vài tuần mà sụt mất sáu ký lô.
Khoảng tháng 3 năm 1954 tiền bối Cao Sĩ Tấn giao nhà cho bà Tám Dung. Trước khi qua Pháp chữa bịnh tiền bối trình báo với chánh quyền xin đóng cửa tất cả các phòng khám bịnh miễn phí. Như thế Hội Chẩn Tế và Khuyến Thiện ngưng hoạt động kể từ đó.
Bảy giờ sáng ngày 2 tháng 4 năm 1954 tiền bối lên tàu thủy Édouard Branly rời cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc hải trình muôn dặm sang trời Tây.
Ở trên tàu được một tuần thì bịnh của tiền bối bắt đầu thuyên giảm. Có lẽ nhờ được sự chăm sóc của bác sĩ trên tàu cùng với gió biển trong lành, được thanh thản nghỉ ngơi… Sau mười bảy ngày lướt sóng đại dương, tàu cập bến Marseille thì sức khỏe tiền bối hồi phục phần nào.
Đến Paris, tiền bối tìm chỗ trú ngụ khá vất vả. Sau cùng tìm được Hotel de Paris của ông bà Bùi Huy Đức nên có được chỗ nấu món chay. Tiền bối dưỡng bịnh đến hết năm 1954 thì hoàn toàn bình phục. Trong lúc nhàn rỗi, tiền bối soạn xong bản thảo Hột Giống Lành. Đây là sách dạy phương pháp thụ thai theo ý muốn. Năm 1956 đã được nhà xuất bản Phạm Văn Tươi ở Sài Gòn ấn hành trong tủ sách Học Làm Người. Sách dày 100 trang (13x19cm) với mẫu bìa do danh họa Duy Liêm trình bày.([2])
*
Sau ba năm lưu trú ở Pháp tiền bối hồi hương. Giờ đây tiền bối chuyên tâm tu tịnh đúng theo Quy Điều Nội Lệ của Chiếu Minh. Do đó tiền bối rất hiếm khi tham dự các cuộc lễ hội, cốt dành nhiều thời gian ẩn tu học đạo, nghiên cứu kinh sách của Tam Giáo, hoặc giao tiếp với các nhà tu ở chùa Tam Tông Miếu (Minh Lý Thánh Hội) để nghiên cứu Kinh Dịch.
Để có phương tiện sinh sống, tiền bối mở phòng khám bịnh có nhận thù lao vừa phải, tùy duyên mà làm phước chữa trị bịnh nhân nghèo. Nếu trang trải xong các chi phí sinh hoạt, có dư dật chút ít tiền thì tiền bối đem in kinh ấn tống (để biếu, không bán) hoặc mua các sách nghiên cứu tôn giáo, nhiều nhứt là Phật Giáo. Tiền bối thường mua các sách tiếng Pháp nhập từ bên Pháp về, dẫu giá cả mắc hơn sách tiếng Việt.
Nói chung, tiền bối vẫn theo nếp sống cũ là không tích lũy tiền bạc, của cải. Đó cũng là hình ảnh tăng vô nhất vật của người hành giả trên nẻo thiên đạo đại thừa, vừa thực hành tánh mạng song tu, vừa làm việc giúp đời, trả nợ đời, và tự nuôi thân. Đó là cách ẩn tu giữa phố chợ đông người, song hành đời đạo. Khi nào nợ đời trả hết thì sự tu học cũng đã hoàn thành.
BẠCH LIÊN HOA




([1]) Campuchia. Dân gian còn gọi là xứ Chùa Tháp.
([2]) Trong sách này có giới thiệu một quyển khác của bác sĩ Cao Sĩ Tấn, nhan đề Phương Pháp Sanh Không Đau.