Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

CAO ĐÀI KHÁI YẾU 3/6

CHƯƠNG II: SÁNG SOI ĐƯỜNG MỚI

I. TÂN PHÁP CAO ĐÀI
1. Chánh pháp về với dân tộc Việt Nam
Nằm bên bờ Thái Bình Dương, nơi giao hội các nền văn hóa đạo đức Đông Tây kim cổ, từ lâu Việt Nam đã tiếp thu hai nguồn Đạo học Ấn Độ và Trung Hoa.
Đến khoảng thế kỷ XV, nhất là đầu thế kỷ XX, các nền văn hóa phương Tây du nhập đất nước Việt Nam; các tư tưởng triết học, khoa học, học thuyết, chủ nghĩa trên thế giới cũng đều góp mặt.
Dân tộc Việt Nam có khả năng dung thông, hòa đồng tất cả nhưng không hề mất đi truyền thống đạo học phương Đông và bản sắc dân tộc; do đó vừa phát huy cái hay cái đẹp từ nghìn xưa, đồng thời đón nhận nền văn minh hiện đại. Người Việt Nam có cái rung cảm của một luồng sinh khí mới. Đạo lớn của trời đất qua bao biến thiên đã về đây với một đường nét khai phóng trong hồn dân tộc trẻ trung. Một non sông nhỏ bé nhưng có được các yếu tố dung hòa, hội tụ mọi tinh túy của loài người. Một dân tộc có được truyền thống sâu xa của các nền Đạo học lớn tự nghìn xưa. Dân tộc đó, đất nước đó xứng đáng được chọn làm dân Thánh, đất Thánh.
Ứng vào tiên tri của Ki Tô Giáo rằng sau hai nghìn năm Chúa sẽ tái lâm, như lời Phật dạy rằng thời mạt pháp Đức Di Lặc sẽ ra đời, tại Việt Nam một tôn giáo mới xuất hiện với đường lối dung hòa tổng hợp, vừa giải thoát tâm linh vừa xây dựng đại đồng thế giới, đáp ứng đúng lúc nhu cầu cần thiết của nhân loại ngày nay.
Từ năm 1919, người ươm mầm đặt giống, ghi dấu Cao Đài trên đất nước Việt Nam này là tiền bối Ngô Văn Chiêu (1878-1932), thánh danh Ngô Minh Chiêu. Tiền bối là con người thanh liêm thánh khiết, hiền hòa thanh thoát, luôn luôn ẩn tàng một chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn. Tiền bối có một lối sống vừa bình thường như mọi người, nhưng cũng vừa khác thường hơn mọi người: Trọn đời không phạm lỗi hai lần, làm quan nhưng nghèo, chí hiếu với cha mẹ, ít giao du, không ở chung với vợ con, ngủ trên gác hẹp, vài chiếc ghế gỗ tiếp khách, một chiếc ghế vải để nằm, mỗi khi đi làm về thì ghé vào chợ mua vài thứ rau quả, tự nấu lấy mà ăn, tuy có tiểu đồng song ít khi sai bảo, tiền lương chia phần cho vợ con và kín đáo làm phước.
Sau đó Thượng Đế còn chuyển một số tông đồ đầu tiên tại Sài Gòn - Chợ Lớn đến hợp tác với Ngô tiền bối, dạy tiền bối đứng đầu (anh cả) và phân công cho đàn em thay mặt tiền bối đi truyền đạo. Các vị tông đồ này đã hội họp tại Sài Gòn để làm Tờ Khai Đạo ngày 23 tháng 8 Bính Dần (29-9-1926).
Tiền bối Ngô Minh Chiêu gặp Thượng Đế qua việc cầu Tiên – phương pháp thông công với các Đấng thiêng liêng của phương Đông. Tiền bối làm đệ tử Thượng Đế và được khải thị Thiên Nhãn vào năm Canh Thân (1920). Sang đầu năm Tân Dậu (1921), tiền bối thọ bí pháp tâm truyền tu luyện dưới sự dìu dắt của Thượng Đế. Năm Nhâm Thân (1932), Ngô tiền bối chứng quả thành đạo trên dòng Cửu Long sau mười hai năm tu luyện (1921-1932).
2. Biểu tượng Thiên Nhãn
Thiên Nhãn (hình con mắt trái mở ngời hào quang) là biểu tượng thờ phượng của đạo Cao Đài. Được ơn soi dẫn của Thượng Đế, tiền bối Ngô Minh Chiêu mục kích Thiên Nhãn hiển hiện giữa bầu trời Phú Quốc.
Thượng Đế là tâm linh vũ trụ. Chơn Thần Thượng Đế bàng bạc trong vũ trụ, là sự sống của vạn hữu chúng sanh. Con mắt là cửa ngõ tâm linh, là lối vào ra nơi cư trú của Thần ngự trong con người. Từ một Chơn Thần Thượng Đế mà hóa sanh muôn vạn ức chúng sinh. Muốn trở về hiệp cùng Thượng Đế (về với sự sống vĩnh hằng) phải dùng phương pháp luyện đạo (công phu tịnh luyện), đem cái nhìn thường phóng ra bên ngoài mà quay vào bên trong, thắp sáng đèn trí huệ cho tự tánh bừng soi. Đó là chánh pháp nhãn tạng mà Phật Thích Ca từng truyền dạy.
Vậy mượn hình ảnh con mắt nơi người mà nói lên cái chơn thần ngự ở trong. Chơn thần ấy huyền đồng cùng chơn thần vũ trụ là Chơn Thần Thượng Đế, chủ tể càn khôn vũ trụ này. Như thế thờ Thiên Nhãn là thờ phượng Thượng Đế, cũng là thờ tâm linh tự thể của mình.
3. Huyền diệu cơ bút
Con người khi chưa đủ huệ tâm để thông công cùng Thượng Đế bằng tự lực tu chứng của mình thì phải nhờ phương tiện thông công bằng cơ bút, do đồng tử thủ cơ. Đồng tử thủ cơ tùy Thiêng Liêng chọn, song nếu không phải là nguyên căn (một linh hồn tinh tấn), thì không tiếp được trọn điển và không dùng được lâu. Cơ bút trong buổi đầu khai Đạo là thời kỳ ân điển, ai cũng có thể đón nhận một cách phổ thông rộng rãi. Đó là thời kỳ ban ơn không hạn chế.
4. Hồng danh Cao Đài
Thượng Đế đến lập Đạo tại Việt Nam với hồng danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. (Khi giáng cơ Ngài thường xưng là Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, hoặc Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài giáo đạo Nam phương.)
Ấu Học Quỳnh Lâm ([1]) có câu tăng bổ: Cao đài viết đầu (Đài cao gọi là đầu).
Lời chú giải thêm cho câu ấy là: [Phật kinh] Đầu vi cao đài. (Theo kinh Phật thì đầu là đài cao).([2])
Tương truyền kinh sách đạo Minh Sư có câu:
Cao như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng
Đài tại Nam phương Đạo thống truyền.([3])
Thánh ngôn Cao Đài dạy:
Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Đài
Đại hội quần Tiên thử ngọc giai
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất
Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai.([4])
5. Mục đích thời pháp Cao Đài
Trải qua Nhất Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, Đạo lớn của trời đất đã đến với con người qua các hình thức tôn giáo, giúp con người trang bị cho cuộc sống của mình một ý nghĩa cao đẹp, một sự an vui hài hòa, một xã hội thanh bình thánh đức, một nền văn minh rực rỡ. Thể hiện nơi cuộc sống xưa kia là nhà không đóng cửa, ngoài đường không ai lượm của rơi, trên dưới kính yêu, giữ khí tiết, biết liêm sỉ, trọng phẩm giá con người, lấy tín nghĩa làm vinh, v.v...
Tuy vậy Thánh Nhân lại sợ con người không biết đấy chỉ là phương tiện đi lên, tiến đến chỗ trọn lành, hòa một cùng bản thể vĩnh viễn an vui mà lại duyên cùng ngoại cảnh, đắm mê hạnh phúc cõi đời, dừng chân an nghỉ nơi cuộc trần, hứng chịu cái công lệ thạnh suy hưng phế, huyễn hóa vô thường.
Sợ rằng con người chuộng cái nhất thời, quên cái vĩnh cửu, để tình thức nghiệp lực lôi cuốn, muôn kiếp lăn trôi trên đường luân hồi sanh tử nên Thánh Nhân ngoài phương cách nhập thế xây dựng cõi đời còn luôn luôn cảnh tỉnh con người bằng phương cách xuất thế, đem con người ra ngoài vòng biển khổ sông mê, nhìn tự tánh mà về để đồng nhất cùng thể Đạo vô vi chơn thường thanh tịnh, thoát thai thần hóa, sống vĩnh cửu như đất trời.
Thời pháp Cao Đài tiếp nối truyền thống Đạo lớn từ nghìn xưa hẳn không đi ngoài cái quy trình sẵn có là chỉ cho chúng sanh nhắm tự tánh mà về; đồng thời tạo cho con người cái phương tiện thế gian là nếp sống tinh thần và vật chất thuần thiện, thích nghi với thời đại văn minh tiến bộ của con người.
Cao Đài Giáo chủ trương nhập thế và xuất thế tác động hỗ tương mà thành tựu và hoàn hảo cho nhau. Có xuất thế mới nhập thế, có nhập thế mới xuất thế. Đủ thấy rằng xây dựng đời phải có con người Phật tâm Thánh ý, con người giác ngộ, giữ được thể Đạo chơn thường, bản lãnh thanh cao, không mê luyến sắc tài danh lợi, không bị trần duyên huyễn hóa phỉnh phờ, lời nói và việc làm đều thuận đẹp lòng Trời lý Đạo.
Con người ấy phải tu phải chứng, phải ngộ nhập Đại Đạo, tự tánh chơn tâm sáng tỏ, không mê mờ, không lẫn lộn thiệt hư, rành rẽ phân minh chơn giả. Được vậy thì vào đời mà không lụy đời, ở tục mà không luyến tục, xây dựng đời thánh đức cho chúng sanh thức tỉnh tu hành, lấy hạt giống Đạo nơi tự thân mà gieo rải mười phương thiên hạ.
Như vậy xuất thế đâu phải là trốn đời mà là tạo điều kiện để vào đời, làm cho đời thanh bình thạnh trị, tiến bộ văn minh, có một nền đạo học tâm linh và một nền khoa học thánh thiện. Tinh thần đó gọi là Chấp Thiên Đạo, hành Nhơn Đạo; Nhơn Đạo lập, Thiên Đạo thành.
Nói tóm lại mục đích đạo Cao Đài là:  Giải thoát tâm linh, và đại đồng thế giới
Nếu chưa giải thoát tâm linh bằng con đường Đạo học, thì không thể đại đồng thế giới bằng con đường khoa học. Có thành tựu được đại đồng thế giới thì mới tạo phương tiện cho loài người trên đường giải thoát tâm linh.
Nhất quán Đạo học và khoa học, dung thông hai nẻo xuất thế và nhập thế, gọi là Trung là Nhất. Vì Trung vì Nhất mà có Thiên Đạo giải thoát, Thế Đạo đại đồng, nói lên Đạo Trời một thể viên dung, suốt thông và trung nhất.
6. Đặc điểm thời pháp Cao Đài
Người Cao Đài hiểu rằng quy luật vũ trụ hay Đạo lớn của trời đất là cái dụng của bản thể Thượng Đế toàn năng. Nó vốn viên dung toàn thiện. Con người dù tài ba lỗi lạc đến đâu cũng chỉ tìm thấy một vài khía cạnh của nó mà thôi.
Các tôn giáo, học thuyết kim cổ Đông Tây có những chỗ khác nhau vì do điều kiện không gian thời gian mà có mỗi thời pháp không giống nhau. Nhưng xét cho cùng những khác nhau ấy không phải để nghịch chống lẫn nhau, mà là để hoàn hảo cho nhau, thị hiện nhiều mặt của một chân lý toàn diện.
Thấy khác nhau là vì nhìn cái riêng rẽ của mỗi mặt. Thấy không khác nhau khi nhìn trên đại thể toàn diện. Đừng quên đi cái toàn diện. Giá trị cần thiết là trên cái toàn diện đó.
Nói trái lại, nếu không có cái toàn diện đó thì không bao giờ có cái riêng rẽ khác biệt của mình. Nên Cao Đài Giáo có câu: Một là tất cả, tất cả là một.
Trong cái riêng rẽ của các tôn giáo, học thuyết, hàm chứa cái chân lý duy nhất và toàn diện, làm cơ chỉ ([5]) cho mọi phát triển tận cùng nhưng chung quy cũng về một. Nho Giáo gọi là Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhất bổn.([6])
Chủ thuyết vạn giáo nhất lý, tâm vật bình hành, Đạo học và khoa học nhất quán, kinh tế - văn hóa - triết học Đông Tây kim cổ cùng dung thông tổng hợp, bổ túc cho nhau – tất cả tạo ra một hòa điệu tinh thần, một nếp sống phong phú hoàn hảo cho xã hội loài người. Đây là thời pháp Cao Đài.
Do sự mê mờ chấp trước của con người mà phải nói lên cái chân lý toàn diện. Chân lý toàn diện vốn đã hoàn thiện viên mãn từ trong cái toàn năng của bản thể. Xưa qua nay lại, cái quy luật của vũ trụ, cái hoàn thiện của đất trời tự có từ nghìn xưa, không thêm không bớt, không thiếu không thừa, viên dung toàn hảo. Do đó Cao Đài Giáo có câu: Phi cổ nhi cổ. Phi kim nhi kim. Phi cổ phi kim, nhi cổ nhi kim, trung nhất thị Cao Đài.([7])
Đạo vẫn có một; mỗi giáo chủ tùy theo sự cứu độ thế gian mà thị hiện Đạo Trời bằng các pháp môn phương tiện khác nhau. Người tin Đạo theo đó tu học để tự độ và độ tha. Công cuộc tự độ và độ tha ấy một khi hình thành tổ chức thì gọi là tôn giáo.
Cao Đài Giáo có đường lối dung hòa tổng hợp, với mục đích giải thoát tâm linh và xây dựng thế giới đại đồng. Người tín hữu Cao Đài thực hiện đường lối và mục đích đó bằng công phu tu học, hiện rõ nét dung thông tổng hợp, đại đồng với tất cả cái tinh túy trong tinh thần nhập thế của Nho, xuất thế của Phật, vô vi của Lão; phối hợp dung thông với các nền đạo đức, triết học kim cổ Đông Tây để có được cái nhìn toàn diện, đồng nhất cùng bản thể là Đạo. Tinh thần nhất quán ấy ở đạo Cao Đài cũng như ở tín đồ Cao Đài là thuần chơn vô ngã, Thiên nhân hiệp nhất, vạn giáo nhất lý, tâm vật bình hành.
a. Thuần chơn vô ngã
Người tu phải dồi luyện tâm tánh, trở về với bản thể chơn thuần chất phác, đồng nhất cùng bản lai, trọn thể chơn như tự tại như chư Phật, không rẽ chia ta người, không làm đầu mối cho mọi mê mờ tội lỗi. Được vậy là nhân dục tịnh tận, Thiên lý lưu hành,([8]) lòng người được thuần thiện giao cảm ứng thông, đồng nhất với Trời mà đạt lẽ Thiên nhân hiệp nhất.
b. Thiên nhân hiệp nhất
Thiên nhân hiệp nhất không có nghĩa là ép buộc lẽ Trời phải theo lòng người để được một, nhưng buộc lòng người phải dồi luyện tu chứng, nâng cao cho đồng nhất cùng Trời, để Trời có thể đến với người, phối hợp với điều kiện con người sẵn có mà lập thể Trung. Vì vậy Đạo buộc con người phải thông lẽ Trời, để Trời người được một, tạo nên khuôn viên mẫu mực cho đời.
c. Vạn giáo nhất lý
Đã hiệp được với Trời, đồng nhất cùng Đạo thì thấy rõ bao pháp môn phương tiện của chư Thánh đã dạy đều có nguồn gốc từ lẽ Đạo chơn thường, dù cho muôn sai nghìn khác cũng là một. Một ấy là chỗ vạn giáo nhất lý.
d. Tâm vt bình hành
Con người ứng dụng đạo lý trong cuộc sống của mình giữa cõi đời âm thanh sắc tướng, mượn thể phàm trần mà trau luyện thân tâm, mượn lấy trường đời mà học tu thực chứng, mượn chỗ hữu tướng mà về chỗ chơn không. Đạo vốn là tinh thần, song sống đạo phải bảo tồn vật chất, ấy là tâm vật bình hành.([9])
Theo các điểm nói trên, nền giáo lý Cao Đài nhìn nhận mọi người, mọi loài, mọi giống đều là con chung Thượng Đế, huynh đệ một nhà; nhìn nhận Đạo vẫn có một, chánh pháp không hai; nhìn nhận đường lối dung thông, hòa đồng, tổng hợp là đặc tính của thời pháp Cao Đài.
7. Cái nhìn về vũ trụ
Người tín đồ Cao Đài có tinh thần dung thông, hòa đồng các nền đạo học, triết lý kim cổ Đông Tây. Với cái nhìn ấy người Cao Đài không thấy chướng ngại về mọi dị biệt giữa nhau, mà còn thấy bổ túc cho nhau để có được tinh thần viên thông nhất quán.
Nhìn vào vũ trụ bao la, người ta thấy vạn vật được an bài điều tiết theo một quy luật. Cái quy luật ấy là động cơ duy nhất. Động cơ ấy là bản thể, hay Thái Cực – con số 1 của vạn hữu.
Trước con số 1 là con số 0 tức là Vô Cực hay là khí Hư Vô. Vô Cực là mặt tịnh, Thái Cực là mặt động của Đạo. Trong động có tịnh, trong tịnh có động, chia thành hai khí âm dương, mà hóa hóa sanh sanh muôn loài vạn vật.
Từ con số 0 mà có con số 1, từ con số 1 mà có vạn hữu chúng sanh, nên “Không tên là gốc của trời đất; có tên là mẹ của muôn vật.” ([10])
Âm dương, động tịnh là thể tánh bất dịch. Âm dương giao đối hài hòa cùng nhau là giao dịch. Bởi giao dịch mà sanh sanh hóa hóa vô cùng là biến dịch. Dầu biến dịch đến đâu cũng không ra ngoài hai thể tánh âm dương động tịnh, nên vẫn giữ còn bản lai của nó là bất dịch.
Đó là nói mặt thuần thể, cái quy luật thiên nhiên vũ trụ. Nhưng (theo Phật) ngoài đất, nước, gió, lửa, và hư không còn có thức,([11]) nghĩa là ngoài phần cơ năng của vật thể còn có linh năng của thần thể; cũng như con người ngoài sự hòa hợp của đất, nước, gió, lửa còn có ý thức, tư tưởng, linh năng trực giác của tâm linh.
Thần thể Thượng Đế bàng bạc trong vũ trụ, tùy sự tinh thô của vật thể mà tiếp nhận nhiều hay ít. Vạn vật nhờ đây mà có sự sống. Đất đá núi sông nhờ đây mà có một phần linh khí, gọi là vật chất hồn. Ở cây cỏ là thảo mộc hồn; ở động vật là cầm thú hồn; ở con người là nhơn hồn; ở những đẳng cấp tiến hóa cao hơn là Thần, Thánh, Tiên, Phật hồn. Nên ngoài cảnh giới con người (hành tinh ta đang ở) còn có vô số cảnh giới, vô số hành tinh ở các cõi tinh khiết trang nghiêm, hợp với trình độ thánh thiện của các đấng hơn.
Người Cao Đài cũng như phần đông nhơn loại nhìn nhận trong vũ trụ vạn hữu chúng sanh đều có đủ cả hai phần là tinh thần và vật chất, hay thể xác và tâm linh. Người Cao Đài không quan niệm cái nào sanh cái nào, cái nào trước cái nào, nên không thiên chấp duy vật hay duy tâm, mà nghĩ rằng hễ có cái nọ thì tất có cái kia, cả hai đồng thời giao đối nhau mà có. Cũng như ban ngày ban đêm, vì giao đối với nhau mà có, làm sao chia được trước sau.
Vật thể nhờ thần thể mà có sự sống, thần thể nương vật thể mà sanh sanh hóa hóa vô cùng. Hai phần lìa nhau thì chẳng có gì trong vũ trụ này cả. Cũng như không thể xác, không tâm linh thì chẳng bao giờ có con người. Nói cách khác, tâm linh không thể xác là cái hư không; thể xác thiếu tâm linh hoặc tâm linh rút ra khỏi thể xác thì sự sống không còn mà cơ năng này cũng bắt đầu hủy diệt.
Vũ trụ cũng vậy. Bầu càn khôn vĩ đại này như một thể xác khổng lồ, có sự sống của nó. Tuy từng tế bào có sanh có diệt nhưng sự sống chính nó không diệt không sanh.
Không một thể xác nào rời khỏi tâm linh mà còn sự sống. Vũ trụ này, cái vật thể vĩ đại này không thể thiếu được phần tâm linh mà tồn tại. Cái thức như Phật nói phải luôn luôn ngự trị ở đây, để tiếp nối sự sống, hóa sanh và nuôi dưỡng muôn loài một cách trường cửu bất diệt. Cái thần thể này, tùy phương Đông, phương Tây theo ý hướng tâm đắc của mình mà đặt tên. Người Cao Đài không hề bị chướng ngại vì cái tên đó, mà luôn cùng mọi người công nhận đây là một thực thể, là Phật Tánh hay Thượng Đế Tánh vậy.
8. Cái nhìn về xã hội, con người
Con người là một sinh vật, một đơn vị tế bào sống của vũ trụ. Cũng như các sinh vật khác, con người sinh ra, trưởng thành và hủy diệt. Nhưng con người có ý thức, có trực giác, biết suy tư và biết phát huy những khả năng đặc biệt. Vì vậy ai cũng nhận thấy nơi con người có cái gì cách xa với các sinh vật khác về phần hiểu biết. Ngày xưa Tuân Tử nói:
“Nước và lửa có khí mà không có sự sống; thảo mộc có sự sống mà vô tri giác; cầm thú có tri giác mà không có nghĩa; còn con người đã có khí, sự sống, tri giác, lại còn có nghĩa nữa; cho nên con người quý nhất trong thiên hạ.” ([12])
Người Cao Đài nhận định rằng vũ trụ hình thành bởi hai khí âm dương. Cái tinh anh của dương thể là thần thể, phần ngưng tụ của âm thể là vật thể. Thần thể, vật thể giao hòa tạo nên khí thể. Khí thể là sinh lực, là sức sống của vũ trụ. Nó gồm cả thần thể, vật thể nên còn gọi là khí Thái Hòa. Vật thể, khí thể, thần thể là ba nhân tố tạo nên vạn hữu; trong con người là Tinh, Khí, Thần (tam bửu).
Thần thể đối với khí thể thì thần thể là dương, khí thể là âm. Khí thể đối với vật thể, thì khí thể là dương, vật thể là âm. Hai phần này hộ trợ lẫn nhau; trong thân người là hai khí tiên thiên, hậu thiên. Từ sự biến hóa của âm dương, giao hòa của thần khí mà hình thành vạn hữu. Trong vạn hữu có năm hành (Mộc, Kim, Hỏa, Thủy, Thổ). Từ năm hành mà có năm màu (xanh, trắng, đỏ, đen, vàng), năm đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), v.v…
Con người là vũ trụ nhỏ (tiểu thiên địa), nên thân người cũng gồm đủ cả âm dương, tam bửu, ngũ hành. Con người thông thấu được cơ mầu nhiệm của trời đất, bí quyết của âm dương thì có thể cùng trời đất trường tồn bất diệt, cùng chư Phật Tiên Thánh Thần trường sanh bất tử.
Thần thể con người là một phần được chia ra từ thần thể Thượng Đế, nên nó vốn đồng nhất cùng thể tánh Thượng Đế. Thần thể này khi sinh vào cõi nào là phải lấy khí thể vật thể nơi đó mà tạo thành một xác thân. Thần thể là Tánh, vật thể là Mạng. Tánh Mạng hiệp nhau mà thành bản vị con người. Khi con người có bản vị thì con người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tư tưởng hành động của mình.
Cảnh giới con người đang ở là dục giới. Con người mang lấy thể xác của cảnh giới này là mang lấy sự mê luyến của dục giới.
Thần thể Trời phú là Tánh. Tánh hòa nhập cùng vật thể gọi là Tâm. Tâm là trung điểm của con người. Tâm giao cảm cùng ngoại vật là Tình. Tâm Tình luyến nhiễm, sáu căn mở rộng đón lấy sáu trần. Sáu căn, sáu trần gặp nhau mà sanh sáu thức.([13]) Thức huân tập nhiều ngày thành nghiệp. Nghiệp là hạt giống của kiếp lai sinh. Hạt giống là nhân, sự đau khổ của nghiệp gây ra là quả. Nhân quả nối chuyền mà có luân hồi sanh tử,([14]) nên nói định mệnh là nói cái thành số bởi nghiệp lực gây ra.
Vì vậy người tu cốt giữ tâm, không cho tâm mê mờ luyến nhiễm. Muốn giữ tâm phải ngăn tình. Muốn ngăn tình phải đoạn thức. Muốn đoạn thức phải trừ căn. Nên Thầy dạy:
Tu thì tu mắt, tai, mũi, miệng
Mối dục tâm sai khiến diệt trừ.([15])
Con người gồm có nguyên nhân và hóa nhân. Từ bản thể Thượng Đế chia ra là nguyên nhân. Từ đất đá, cây cỏ, cầm thú tiến hóa lên là hóa nhân. Dầu nguyên nhân hay hóa nhân, con người đều có thể tiến lên làm Thần Thánh, Tiên Phật nếu biết thuận lẽ Trời mà phát huy tự tánh. Mà con người cũng có thể làm ma quỷ nếu quên đi tự tánh của mình mà làm điều tội lỗi. Luật tiến hóa là phải đi lên, tức là phát huy phần dương thể thanh cao trong sạch thuần thiện chất phác. Thối hóa là đi xuống, tức là triển khai phần âm ác trược nặng nề, luyến mê đắm nhiễm.
Tâm là trung điểm; tuy nói căn, nói thức, nói tình, chứ cũng là tâm. Tâm hướng về thanh tịnh vô vi là trở về cùng bản thể của tánh, là đi lên. Tâm hướng theo ngoại cảnh thì tình thức dẫn dắt, là đi xuống. Vì vậy bậc hiền nhân thánh triết thường có cái phong độ tự tại an nhiên.
Trên đường tiến hóa các đẳng sanh linh cần phải tự mình nỗ lực, vì không tiến là lùi. Song ngoài phần lo cho mình tiến, con người cần phải giải quyết những bổn phận tương quan tại thế (cha con, anh em, chồng vợ, bầu bạn, dân tộc và nhân loại). Đó là đạo nghĩa, là nhân luân. Nếu phần này không tròn thì không hoàn hảo hóa nhân phẩm con người, vướng nhiều khó khăn trên đường tiến hóa. Nên hai phần phải điều hòa hộ trợ lẫn nhau, lấy sự tiến hóa làm cứu cánh, lấy xử thế làm phương tiện, phải đắc trung mà chu toàn tất cả. Nói tiến hóa là nói tới phát triển trình độ hiểu biết, tình cảm, ý chí và tâm linh. Sự tiến hóa này nhờ trải qua nhiều đời nhiều kiếp, chịu ảnh hưởng linh khí của trời đất, chịu ảnh hưởng tình cảm tư tưởng và lòng thương của con người mà phát huy trình độ hiểu biết theo cơ năng và linh năng sẵn có.
II. THÁNH THỂ CAO ĐÀI
1. Lý tam thể và tam đài
Tôn giáo là một công cuộc giáo hóa có tổ chức, nhằm đưa con người về với Đạo. Tổ chức giáo hóa của các tôn giáo khác nhau vì không cùng một thời pháp. Song dù sai khác bao nhiêu cũng không thể đặt lệch hướng đi của mình là đưa con người trở về với nguồn cội, đồng nhất cùng bản thể, nghĩa là phải dẫn dắt con người tiến hóa đến chỗ trọn lành như Thượng Đế bằng bao công trình giáo hóa, qua bao trình tự giác ngộ, giải thoát, hiện thân thánh thiện tại thế gian.
Tổ chức giáo hội Cao Đài trong một thời pháp đặc biệt với điều kiện không gian, thời gian của đạo Cao Đài, theo tôn chỉ mục đích nhất định, thích ứng với nhu cầu tiến hóa của con người, với thời gian hiện đại, được xem là mới mẻ, toàn diện, kết tinh và tổng hợp khoa học, đạo học, văn hóa, chính trị, kinh tế. Kết tinh cả xưa lẫn nay, không cũ mà cũ, không mới mà mới, trung nhất, suốt thông được tất cả, biểu hiện đạo thể viên dung toàn thiện trong một thời pháp đặc biệt. Sự cấu tạo tổ chức giáo hội Cao Đài theo quy luật cấu tạo vũ trụ và con người, gồm có đủ thần thể, khí thể, vật thể, cũng là Thần, Khí, Tinh hay Phật, Pháp, Tăng (tam bửu).
Thần thể là Thượng Đế, tâm linh vũ trụ.
Khí thể là sinh khí, sinh lực hay sự sống, là cơ sinh hóa và bảo tồn vũ trụ.
Vật thể là vạn vật, vạn hữu chúng sanh.
Do đó pháp Đạo có ba Đài, quyền Đạo có ba Hội.
Ba Đài như sau:
a. Bát Quái Đài là thần thể vô vi, nắm Thiên điều, giữ phần lập pháp, do Thượng Đế và chư Phật Tiên, Thánh Thần cầm quyền siêu rỗi.
b. Hiệp Thiên Đài là khí thể, trung gian giữa vô vi và hữu hình, giữ phần thông công, nối liền hữu vô bằng đạo pháp, gìn giữ chơn truyền Đạo, đường hướng Giáo Hội và cơ tiến hóa chúng sanh.
c. Cửu Trùng Đài là vật thể, cơ hữu hình, giữ phần hành pháp, do Giáo Tông và các cấp chức sắc giữ phần phổ độ, giáo hóa chúng sanh.
Bát Quái Đài có ba ngôi:
a. Thượng Đế là bản thể tuyệt đối.
b. Tòa Tam Giáo nắm quyền luật pháp Thiên điều.
c. Chư Phật Tiên, Thánh Thần là các đẳng thiêng liêng điều hành cơ siêu rỗi.
Hiệp Thiên Đài có ba quyền:
a. Hộ Pháp giữ phần Pháp (Thiên điều, luật pháp).
b. Thượng Phẩm giữ phần Đạo (tịnh thất).
c. Thượng Sanh coi phần Thế (thánh thất).
Cửu Trùng Đài có ba Hội:
a. Giáo Tông thay mặt Thầy làm Anh Cả, cầm giềng mối Đạo, chủ tọa Thượng Hội.
b. Ba Đầu Sư thay mặt nhơn sanh cầm đầu Hội Thánh.
c. Thượng Chánh Phối Sư chủ tọa Hội Nhơn Sanh.
Hiệp Thiên Đài là bán hữu hình đài.
Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài còn gọi là nhị hữu hình đài, là hai cơ quan hành pháp (giáo hóa) và bảo pháp (luật lệ).
Hành pháp, bảo pháp có sự tương quan chặt chẽ:
Từ trên bộ phận tối cao:
- Bảo pháp Hiệp Thiên Đài: Dưới Hộ Pháp có Thượng Phẩm, Thượng Sanh, làm nhiệm vụ hành pháp trong bảo pháp, trông coi các tịnh thất, thánh thất, chủ phòng cãi luật, nâng đỡ hàng chức sắc, làm trạng sư cho cả tín đồ, v.v... xem xét việc thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc trấn nhậm các thánh thất, tịnh thất, buộc Tòa Thánh trị tội hoặc thuyên chuyển các chức sắc làm trở ngại đường tu học của đạo hữu.
- Hành pháp Cửu Trùng Đài: Dưới Giáo Tông có ba Chưởng Pháp, làm nhiệm vụ bảo pháp trong hành pháp, giữ phần lãnh đạo Thượng Hội, xem xét luật lệ trước khi thi hành.
2. Quyền hành ba Hội
a. Thưng Hi
- Giáo Tông: Thay mặt Thầy (Phật).
- Chưởng Pháp: Thay mặt luật pháp (Pháp).
- Đầu Sư: Thay mặt nhơn sanh (Tăng).
Các chủ trương, luật lệ Giáo Tông truyền dạy cho Đầu Sư, hoặc Đầu Sư dâng lên cho Giáo Tông, đều qua sự xem xét của ba Chưởng Pháp. Mỗi giấy tờ chi chi cũng có ba Chưởng Pháp ký tên, đóng dấu mới đặng thi hành.([16])
b. Hi Thánh
Ba Đầu Sư, ba mươi sáu Phối Sư, bảy mươi hai Giáo Sư, ba ngàn Giáo Hữu.
Hội Thánh do ba Đầu Sư lãnh đạo, nhưng quyền hành sự giao cho ba Chánh Phối Sư.
Ba Chánh Phối Sư lập Tòa Nội Chánh điều hành chức sắc ba phái và ba cơ quan trong Hội Thánh.
Điều chế quyền hành lãnh đạo Thượng Hội
Chưởng Pháp giữ phần bảo pháp trong hành pháp, điều
chế giữa Giáo Tông và Đầu Sư cho Trời người hợp nhất mà không trái chơn truyền luật pháp.
Ba phái: Thượng, Thái, Ngọc.
Ba cơ quan: Phước Thiện, Hành Chánh, Phổ Tế.
Ba Đầu Sư thay mặt nhơn sanh dự Thượng Hội, mà cũng thay mặt nhơn sanh cầm đầu Hội Thánh, nên luật buộc chia quyền hành sự cho ba Chánh Phối Sư.
Ba Chánh Phối Sư tùng quyền Đầu Sư, cầm đầu Tòa Nội Chánh, hiệp với ba mươi ba Phối Sư, bảy mươi hai Giáo Sư, ba ngàn Giáo Hữu, phân nhiệm hướng dẫn, điều hành chức sắc ba phái và ba cơ quan.
Tòa Nội Chánh còn kết hợp với bộ phận bảo pháp Hiệp Thiên Đài là cơ quan Minh Tra, gọi chung là bốn cơ quan.
c. Hi Nhơn Sanh
Đầu Sư giữ quyền lãnh đạo Hội Thánh, trao quyền hành sự cho ba Chánh Phối Sư nên:
- Thái Chánh Phối Sư làm chủ Hội Thánh, lãnh đạo các chức sắc.
- Thượng Chánh Phối Sư chủ tọa Hội Nhơn Sanh.
- Ngọc Chánh Phối Sư chủ về luật pháp Giáo Hội.
Hội Nhơn Sanh gồm các hội viên là Lễ Sanh, Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự cùng các phái viên là những người được nhơn sanh công cử.
Hội Nhơn Sanh nhóm từ cấp thánh thất, đúc kết ý kiến mang về nhóm tại Hội Thánh.
Hội Thánh, Thượng Hội, Hội Nhơn Sanh liên hệ mật thiết, thường xuyên trao đổi ý kiến, theo dõi mọi biến chuyển, thông cảm và phối hợp đồng bộ mọi sinh hoạt chung của Giáo Hội. Hằng năm mỗi Hội họp đại hội một lần: Hội Thánh họp rằm tháng Bảy; Thượng Hội họp rằm tháng Mười; Hội Nhơn Sanh họp rằm tháng Giêng [theo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài].
Ngoài ba Hội trên còn có Hi Vn Linh. Hội Vạn Linh là ba Hội trên họp lại để giải quyết những vấn đề mà ba Hội trên không giải quyết đặng.
3. Tương quan giữa hành pháp và bảo pháp
Hành pháp và bảo pháp chia đôi để tránh độc đoán, độc quyền và áp chế, nhưng cần có sự tương quan chặt chẽ, ràng buộc chi phối lẫn nhau để thăng bằng đạo pháp và kết quả tốt ở việc làm.
Trên hết, phần lãnh đạo tối cao, Giáo Tông và Hộ Pháp, tức là nhị hữu hình đài, hành pháp, bảo pháp chia hai.
Dưới hết, phần thực hiện tại cơ sở nhơn sanh, Phó Trị Sự, Thông Sự chia hai quyền riêng biệt.
Thông thường quyền lãnh đạo trên hết có thể độc tài, quyền hành sự dưới hết có thể bị áp bức, nên trên hết và dưới hết, hai quyền hành pháp, bảo pháp phân lập rõ ràng. Tuy phân lập nhưng không để đến nỗi chia lìa riêng rẽ, chống nghịch nhau mà cần phải có chỗ điều nhiếp tương thành tương tựu cho nhau, ấy là Đầu Sư và Chánh Trị Sự.([17])
Phần lãnh đạo Giáo Hội ở Thượng Hội, hai quyền Giáo Tông và Hộ Pháp chia hai, thì Đầu Sư cầm đầu Hội Thánh lại phải thống nhất, để đủ sức điều hành sự duy nhất của Giáo Hội, mặc dù Đầu Sư phải tùng quyền cả Giáo Tông và Hộ Pháp, không được tự chuyên. Song trong lúc cơ Đạo chinh nghiêng, người có thể lấy quyền thống nhất mà buộc Giáo Tông và Hộ Pháp giúp người lãnh đạo Hội Thánh cho qua cơn sóng gió.
Đầu Sư trọn quyền lãnh đạo Hội Thánh, song luật buộc giao quyền hành sự cho ba Chánh Phối Sư là ngừa chế khi đủ hai quyền có thể độc tài, độc đoán.
Hành pháp, bảo pháp vừa phân lập vừa duy nhất
Từ ba Chánh Phối Sư trở xuống, quyền giáo hóa và luật pháp lại chia cho bốn cơ quan nắm giữ.
Chánh Trị Sự giữ quyền thống nhất, nhưng lại chia quyền hành chánh và luật lệ cho Phó Trị Sự và Thông Sự trực tiếp làm việc với bổn đạo trong địa phận nhỏ của Phó Trị Sự và Thông Sự.
Phó Trị Sự, Thông Sự tuy trọn quyền làm anh trong địa phận của mình song nhất nhất phải tùng lệnh Chánh Trị Sự, mọi việc phải hội ý và có sự nhất trí của Chánh Trị Sự, nếu tự chuyên là phạm Pháp Chánh Truyền.
Chia ra liền hiệp lại, hiệp lại liền chia ra, luôn giữ thế quân bình, không cho đôi bên lấn áp hoặc chống nghịch nhau mà làm đẹp cho nhau – ấy là chỗ tinh vi, mới mẻ của nền tân pháp.
Đức Chí Tôn dạy: “Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời thì Đạo chưa thành vậy.” ([18])
Vì lẽ ấy, Pháp Chánh Truyền đã giao quyền hành nơi Thông Sự:
“Mọi việc chi làm mất lẽ công bằng nơi địa phận của Phó Trị Sự cai quản mà Hội Thánh không rõ thấu, thì Thông Sự phải chịu phần trách cứ.
Những điều chi sai luật Đạo, chẳng y theo lệnh Hội Thánh tư truyền, hoặc sửa cải Tân Luật, hoặc cải lệnh hành chánh, nếu chẳng có phép của Chánh Trị Sự truyền dạy mà Phó Trị Sự tự chuyên thi hành, Hội Thánh lại không hay biết chi hết, thì tội tình ấy về phần Thông Sự.”.([19])
Xem kỹ về quyền hành tương quan giữa Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự, chúng ta thấy Pháp Chánh Truyền rất lưu ý về cơ sở nhân sinh, ở đây được xem là một hội thánh nhỏ, hình bóng của cơ chế quyền pháp nền tân giáo, mà Phó Trị Sự có vinh dự được xem là Giáo Tông em, Thông Sự được vinh dự được xem là Hộ Pháp em, Chánh Trị Sự được xem là Đầu Sư em, tưởng cũng là điều mới mẻ đặc biệt.
4. Ba phái, bốn cơ quan
a. Ba phái
Ba phái trong Hội Thánh Cửu Trùng Đài là Thái, Thượng, Ngọc.
Thái, Thượng, Ngọc là Tam Thanh (gồm Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh).
Tại sao có Tam Giáo còn có Tam Thanh?
Tam Giáo chưởng về Thiên điều tức là luật.
Tam Thanh chưởng về bí pháp tức là pháp.
Luật là phần sửa trị, không cho phạm Thiên điều, ấy là phần trị thế.
Pháp là phần tâm đắc, đưa bước nhơn sanh tiến hóa về các cõi trên, ấy là cơ cứu thế.
Luật do Tam Giáo chưởng quản.
Pháp do Tam Thanh chưởng quản.
Luật giữ Thiên điều trật tự, để bình trị thế giới. Đó là cơ nhập thế, tức là công truyền.
Pháp nắm cơ siêu thoát. Đó là cơ xuất thế, tức là tâm truyền.
Người nhập môn nương về thánh thất giữ giới hạ thừa, tuân y Thế Luật mà lập công tu phước.
Người luyện đạo nhập tịnh thất giữ giới thượng thừa, thọ truyền bí pháp mà hành công tu luyện.
Hàng chức sắc Hội Thánh từ Giáo Hữu trở lên phải chọn bậc thượng thừa. Hội Thánh là Thánh, chúng sanh là phàm. Lấy Thánh độ phàm, tức là dùng bậc thượng thừa để dìu dắt bậc hạ thừa. Vì vậy mà người chức sắc Giáo Hội có cả quyền lẫn pháp, vừa tịnh luyện vừa hành đạo, vừa là Tam Giáo vừa là Tam Thanh.
Ngọc là Tinh; Thượng là Khí; Thái là Thần. Tinh, Khí, Thần là ba món báu để luyện đạo. Chức sắc Hội Thánh chia ba phái đều nhau để thăng bằng đạo pháp, cũng là cơ đắc đạo.
Trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy đến quy Tam Giáo về một. Chơn truyền luật pháp của Tam Giáo bình đẳng trước Thầy.
Nho (phái Ngọc) trị thế là Phổ Tế.
Phật (phái Thái) tạo thế là Phước Thiện.
Tiên (phái Thượng) chuyển thế chủ quyền trung trấn, nên phái Thượng là Hành Chánh. Phái Thượng lại lấy phần tu đơn luyện đạo, tạo vóc kim thân, chuyển hóa thế gian thành huỳnh kim thế giới,([20]) hội Tiên Phật tại trần mà lập nguơn thánh đức, hình hiện cảnh niết bàn cực lạc tại thế gian.
Vì vậy cơ chuyển thế không những sửa trị thế gian, làm cho thế giới trở nên an bình thánh đức, mà còn làm cho chúng sanh nương theo đạo pháp tiến thẳng về Thầy, nhờ bậc chơn tu đắc đạo tạo dựng thế gian trở thành thiên đàng cực lạc.
Mục đích Đạo Thầy tuy chia hai là giải thoát tâm linh và đại đồng thế giới, nhưng sau trước nương nhau, thành tựu cho nhau cả phần thế gian và phần xuất thế gian.
b. Bốn cơ quan
Tòa Nội Chánh là nơi điều hành phổ hóa chúng sanh bằng đường lối chơn truyền đạo pháp.
Tòa Nội Chánh gồm có ba cơ quan Cửu Trùng Đài (Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện) và một cơ quan Hiệp Thiên Đài (Minh Tra). Mỗi cơ quan có một trách nhiệm riêng biệt, nhưng tương quan chặt chẽ trong một chương trình chung của Giáo Hội.
Đạo Thầy có mục đích khai phóng con đường giải thoát tâm linh và xây dựng đại đồng thế giới.
Giải thoát tâm linh là phát huy nội tâm làm rực rỡ cái văn minh nội tại. Văn minh nội tại là sáng tỏ nội tâm, bừng soi tự tánh. Đó là đạo (tu huệ).
Đại đồng thế giới là phát huy cái văn minh ngoại tại, xây dựng cảnh thanh bình thánh đức tại thế gian. Văn minh ngoại tại là làm cho huy hoàng thiện mỹ cuộc sống thế gian. Đó là đời (tu phước).
Xây dựng đạo không thể bỏ đời; xây dựng đời không thể lìa đạo. Đời phải nương đạo để dựng cảnh thanh bình; đạo phải nương đời để tròn câu phổ hóa.
- Phước Thiện
Đạo hữu về phần đời có cơ quan Phước Thiện, về phần đạo có cơ quan Phổ Tế, nên mỗi đạo hữu là một thiện dân, mà cũng là một nhân viên giữ đạo, truyền đạo.
Phần đời (phần sinh sống thế gian) là kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v... Phước Thiện làm nhiệm vụ bảo sanh dưỡng thiện, tạo điều kiện tinh thần và vật chất cho chúng sanh, giúp chúng sanh có điều kiện đạo đức thẳng đường tiến hóa, trở bước về Thầy. Quyền pháp ở đây là khai thế, tạo thế.
Phước Thiện chỉ huy nền kinh tế chính nghĩa, nền văn hóa xã hội thuần lương hướng thiện, lấy thiên hạ làm của công, chọn người hiền, cử người giỏi, giảng dạy điều tín nghĩa, ăn ở theo đạo hòa mục. Người già cả là cha chung, trẻ nhỏ dại là con chung. Bé thơ được nuôi dạy, khôn lớn được sử dụng. Con trai nên danh phận, con gái có lứa đôi. Kẻ cô đơn tàn tật có nơi nuôi dưỡng. Nhà không đóng cửa, ngoài đường không lượm của rơi. Ai nấy đều tranh nhau vui với điều lành, chăm trồng ruộng phước.
Phước Thiện là đường lớn phải đi, việc lớn phải làm, nói lên cái ý nghĩa kiếp sống con người có đạo nghĩa công bằng, có hợp quần tổ chức. Lấy điều thiện làm vinh, lấy tình thương làm lẽ sống, lấy thanh bình thánh đức làm hạnh phúc văn minh, biết thưởng thức cái đẹp tinh thần, biết vui mùi đạo vị thanh cao thánh thiện.
Vì vậy Phước Thiện còn có tên gọi là cơ quan đem đời về đạo, khai thế, tạo thế, xây dựng hội thanh bình, mở mang nguơn thánh đức làm cho cõi thế gian trở nên cực lạc thiên đường.
Phước Thiện do phái Thái lãnh đạo, hộ trì, lập cơ chế như những dòng tu, có đủ các bậc chức sắc, nhân viên từng ngành chuyên môn điều hành hướng dẫn.
Phần tại gia là thiện dân, theo tổ chức tại gia.
Phần xuất gia có các nhà tu trung thừa, thượng thừa, các cơ sở văn hóa xã hội, đào tạo tu sĩ và giáo sĩ, cung ứng từng khả năng chuyên môn cho các cơ quan Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện, làm nấc thang tu tiến cho hàng đẳng phước dân, sống đem thân phụng sự cho đời, chết được an ngôi Thiên vị, ngàn năm anh linh hiển hách nơi Báo Từ Đường, thỏa mãn một kiếp sống cõi tạm nơi trần thế, mà nên sự nghiệp lâu dài, lớn lao cho đời cho đạo.
Phước Thiện làm cho mọi sinh hoạt vật chất và văn hóa xã hội có mục đích phát huy điều thiện. Ý thức làm điều thiện ngự trị trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Điều thiện trùm bao và đồng hóa tất cả. Nó nhen nhúm trong tâm tư, phát triển trên hành động và cô đọng trong kết quả. Sự thoải mái về tinh thần và vật chất ở đây là động cơ kích thích lòng vui say hâm mộ của mọi người sống trong tập đoàn Phước Thiện. Niềm vui hòa nhập trong mỗi trái tim, họ hát khúc thanh bình, ngâm câu thái hòa thạnh trị.
Về đường đời của Đạo, Phước Thiện đưa con người về nẻo thiện. Mọi sinh hoạt vật chất biến thành sinh hoạt tinh thần. Điều thiện thâm nhập trong tâm hồn, trong huyết quản của họ. Đời sống thế gian của họ kể cũng tốt đẹp lắm rồi. Nhưng cuộc sống của con người tại thế gian dầu sung sướng đến đâu thì kiếp đọa trần vẫn chưa mãn. Sự sung sướng thế gian đã từng chôn chặt con người trong vinh hoa khoái lạc làm họ quên đi tự tánh của mình.
Vả lại Thầy đến thế gian lập Đạo không chỉ cốt ban cho con người hạnh phúc thế gian để cho con người thụ hưởng. Nếu con người đắm say thụ hưởng, đóng đinh mọc rễ nơi nầy thì biết bao giờ chúng sanh mới về lại quê xưa vị cũ? và cơ cứu rỗi của Thầy phải ra sao?
Vì vậy luật pháp Thiên điều, cơ tiến hóa của vạn hữu chúng sanh không cho phép con người dừng chân an nghỉ nơi cõi tục nầy, mà cần tiến thêm một bước nữa, cần một sự dìu dắt nữa để họ có thể đồng nhất cùng bản thể, thông công trực tiếp với Thầy.
Ai vén hé cho họ bức màn nầy, trao cho họ có chìa khóa nầy để họ mở cửa tâm linh mà hội hiệp cùng Thầy?
- Phổ Tế
Phổ Tế là cơ quan phổ hóa chúng sanh, lo phần đạo của Đạo, nên còn gọi là cơ quan đem Đạo vào đời, dìu bước đưa chân các đẳng sanh linh nương về với Đạo hầu tiến hóa đến phẩm trọn lành.
Phổ Tế nói lên cái Đạo lớn của trời đất, cái quy luật thiên nhiên, con đường tạo Tiên tác Phật, cơ bí nhiệm nhập Thánh siêu phàm, làm cho Giáo Hội có khả năng và điều kiện thành công trên đường cứu rỗi.
Phổ Tế là phần Đạo, là tinh thần. Tinh thần là lẽ sống thiêng liêng, đòi hỏi con người phải phát triển phần tâm linh mới cảm ngộ được sự sống thiêng liêng của trời đất. Người làm công tác nầy phải có sở đắc tâm linh phong phú, vững chắc. Cũng như người gieo giống chẳng thể vãi với bàn tay trắng không có hột giống. Có sở đắc tâm linh mới đủ khả năng truyền thụ cho người đón nhận tâm linh.
Truyền nhập sự sống tâm linh cho người là mở cửa tâm hồn, để lòng người giác ngộ. Có giác ngộ mới hồi sinh. Có hồi sinh mới thánh hóa con người của mình, làm sáng tỏ cái văn minh nội tại.
Người Phổ Tế, như lời dạy của Thiêng Liêng:
Truyền đạo bằng tư tưởng
Giao hảo bằng tinh thần
Kết liên bằng cảm giác
Xây dựng bằng điển lực
Giáo hóa bằng tâm linh.
Làm nhiệm vụ tâm linh, săn sóc các linh hồn trên đường tiến hóa, Phổ Tế là một khoa học tâm linh, vừa phân tích vừa tổng hợp, điều nhiếp các phương môn, mở ra một trình tự tu tiến, khai phóng một lối về, tham khảo các nền Đạo học Đông Tây, từ căn bản Tam Giáo, Tứ Giáo, vạn giáo đồng nguyên và nhứt lý.
Thế nên đường hướng cứu độ chúng sanh có đủ Thiên Đạo giải thoát, Thế Đạo đại đồng, vừa xuất thế vừa nhập thế, chấp Thiên Đạo hành Nhơn Đạo. Cũng do đó, Pháp Chánh Truyền buộc từ phẩm Giáo Hữu trở lên phải chọn trong bậc thượng thừa, tức là người đã trực nhập phần tâm pháp bí truyền, song tu tánh mạng.
Cơ quan Phổ Tế là cơ quan phổ thông chơn đạo, tức là truyền dạy chơn đạo cho người. Truyền dạy chơn đạo là truyền dạy cái công phu suất tánh (suất tánh chi vị Đạo: theo tánh gọi là Đạo).
Nói tánh tất liên hệ đến mạng. Đơn thơ dạy: Tu tánh không tu mạng, đây là bệnh hàng đầu của người tu hành. Tu mạng không tu tánh, muôn kiếp anh linh khó nhập vào cõi thánh.([21]) Đó là yếu quyết của người tu.
Nhưng điều quan hệ là cơ quan Phổ Tế đề phòng chứng bệnh lý thuyết, tức là người nói mà không thực tu thực chứng. Một ngày nói cái lý thuyết trống rỗng là một ngày bị đọa. Chính mình bị đọa mà còn truyền lây đến người khác.
Trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy dùng ân điển để cảm hóa lòng người được sống lại bằng đức tin. Vì vậy truyền đạo cũng là truyền nhập đức tin. Có đức tin mới dính liền với Thượng Đế. Có đức tin mới tác động tâm linh mà khai triển con đường tánh mạng. Đức tin là công cụ nối liền với hồng ân cứu độ của Thầy.
Như thế người làm Phổ Tế phải đủ điều kiện thực tu thực chứng, sáng tỏ tâm linh, thị hiện nơi bản thân, trên lời nói, bằng sức mạnh đức tin từ ân điển của Thầy. Ân điển của Thầy trùm bao tất cả, làm thành sự sống tràn ngập lòng người với bao hạo khí lâng lâng. Lòng người tươi sáng, cuộc sống thế gian này càng hé mở con đường thánh đức. Tất cả chúng sanh như những mầm non hằng đón đợi ánh thái dương mà vươn lên giữa bầu trời xanh thẳm.
Người Phổ Tế cũng như Phước Thiện, Hành Chánh, luôn vừa tu, vừa học, vừa làm. Khổng Minh dạy con: “Học phải cần yên tĩnh, muốn có tài phải học, không học không biết rộng, không có chí học không thành.” ([22])
Tịnh là đi vào công phu thực tu của người truyền đạo.
Học tập, tu dưỡng, hành đạo là luật tam thể của chức sắc, tín đồ Cao Đài.
Phổ Tế về phần đạo, Phước Thiện về phần đời. Đời đạo như bóng với hình. Hình bóng không rời nhau nên trong Phước Thiện có Phổ Tế, trong Phổ Tế có Phước Thiện. Phổ Tế và Phước Thiện tương quan điều hòa, tương thành tương tựu cho nhau, thi thiết một chương trình, một kế hoạch. Một phần lo lợi ích nhơn sanh, một phần lo phát huy đường hướng kế hoạch, xây dựng cơ sở đào tạo chuyên viên, chức sắc, chức việc.
Phổ Tế xây dựng và hướng dẫn các chủng viện, các nhà tu, các hạnh đường, các trường học, các ngành chuyên môn khác vì nhu cầu Giáo Hội.
Phổ Tế cùng với Hành Chánh, Phước Thiện gần gũi, sát cận nhơn sanh mà hướng dẫn đường tu, dắt dìu bước tiến, hòa mình cùng đạo hữu, no đói vui khổ có nhau mà nâng đỡ đường đời bước đạo.
- Hành Chánh
Công cuộc cứu độ thế gian của Đạo là nhắm vào con người. Con người có hai phần: đời sống tinh thần; đời sống vật chất.
Tinh thần đã có Phổ Tế, vật chất đã có Phước Thiện. Hành Chánh là cơ quan trông về chủ trương và đường lối, nhiếp cả hai phần Phổ Tế và Phước Thiện, giữ cho cân bằng tương ứng, nâng đỡ phần yếu, bồi đắp chỗ thua, giữ vững cho cán cân đạo đời không nghiêng đổ.
Hành Chánh cần phải khai thông mọi bế tắc, cởi mở chỗ rối rắm, an bài mọi trật tự, điều chỉnh mọi lệch lạc. Đâu đó giữ đúng phương hướng chương trình; đâu đó đều suốt thông đều đặn. Đạo chẳng xa đời; đời không mất Đạo. Chú trọng chỗ tinh thần, bảo tồn cơ vật chất, mọi nơi mọi chỗ. Đời được an vui; Đạo được nhuần thắm. Gần ở một nhà; rộng ra bốn bể. Ngày một văn minh tiến bộ; ngày một hoàn hảo thêm lên. Ấy là cơ tái tạo.
Hành Chánh không những điều hành bộ máy Giáo Hội bằng văn thư (như hộ tịch, nghị định, thăng thưởng, cầu phong, thuyên chuyển, bổ nhiệm, v.v...) mà quan trọng hơn là đưa Giáo Hội đi đúng tôn chỉ, đạt được mục đích của nền tân pháp Chí Tôn. Đúng tôn chỉ, đạt mục đích không phải dễ mà phải ý thức đầy đủ về thời pháp Cao Đài, phải có huệ tâm, thánh chất. Trên thông thấu lẽ Trời, dưới cảm hóa lòng người. Thiên lý nhơn tâm khế đồng tương tựu. Hướng nhơn tâm tùng Thiên lý; không để cho nhơn tâm mê lẫn, Thiên lý bị che mờ, khiến sự đau khổ của đời vẫn tồn tại.
Vì vậy Hành Chánh phải nắm vững cơ động tịnh, tiến thoái tồn vong, không lầm lẫn việc to, cũng không sơ sót việc nhỏ, phần đạo được thông, phần đời đắc ứng. Mọi người mọi việc đều yên ngôi đúng chỗ, thư sướng hòa vui; đặt nền móng vững chắc; xây dựng hội thanh bình, nguơn thánh đức.
Hành Chánh phải nắm vững các bước đi của Giáo Hội, khai đường mở lối tuần tự tiến lên, vừa an bình vừa vững chắc. Rủi gặp việc trở ngăn, phải liệu lượng cân đo chín chắn, nuôi chánh khí, giữ tâm thuần, lấy đạo hạnh thánh ân làm thành đồng vách đá mà hóa giải bao khó khăn.
Hành Chánh sáng suốt mạnh lành là sự mạnh lành sáng suốt của Giáo Hội. Người giữ trách nhiệm nầy cần phải chứng đạo, phải viên thông, phải có huệ tâm thánh trí, làm sáng tỏ cơ cứu rỗi của Thầy, làm cho pháp môn độ đời có nhiều hiệu lực thiêng liêng, ân điển trùm bao Giáo Hội, nguồn lành thấm đượm lòng người, cõi dục giới phàm trần trở nên trang nghiêm tinh khiết.
- Minh Tra
Dù vậy, lẽ đời tương đối, việc thế vô thường, lòng người khi Phật khi ma. Con người khi chưa đủ Phật tâm Thánh chất thì tệ nạn của đời cũng nên đề phòng gìn giữ. Cơ quan Minh Tra bảo pháp luôn luôn có mặt cùng với ba cơ quan Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện đồng lao cộng sự, chia sẻ những khó khăn, hiệp sức chung tay, thực tâm vì Thầy vì Đạo, vì nhơn sanh, để lòng xem xét, nhìn xa thấy trước những mầm suy trong chỗ thạnh, cái dở trong cái hay mà góp bàn liệu lượng, nhiệt thành lo lắng, minh điều lợi, trừ cái hại, cố làm cho đây đó cảm thông, trong ngoài nhất trí, giữ vững cơ tiến thối tồn vong, xứng đẹp ý nhơn sanh mà cũng không đi ngoài luật pháp.
Cơ quan Minh Tra không phải là cơ quan buộc tội, hay cơ quan điều tra phạm tội. Cơ quan Minh Tra tham đồng cố vấn cho các cơ quan một cách công nhiên về quyền bảo pháp của Hiệp Thiên Đài.
Mọi việc làm của Giáo Hội từ trên xuống dưới, từ nhỏ đến lớn, cơ quan Minh Tra cùng với các cơ quan chung thấy chung lo, chung lòng ưu tư liệu lượng, giữ gìn chơn truyền đạo pháp, không để cho một cơ quan nào lệch sai đường lối, không để cho một người nào nghiêng ngả lầm mê mà Minh Tra không tìm phương giúp đỡ.
Trong hàng chức sắc hoặc nam nữ tín đồ nếu có chỗ chưa thông, có điều uẩn khúc, hay bị oan ức thiệt thòi, bất công hiếp đáp, Minh Tra là chỗ để tâm tình cởi mở nhằm cứu khổ giải oan, minh xét chỗ thiệt hư phải trái, uốn nắn những sai lầm, dắt dìu người yếu ớt, làm cho đâu đó vui tình đẹp ý, hân hoan phấn khởi tu hành.
Minh Tra làm nhiệm vụ cảnh giác, quan phòng, là diệu phù (bùa linh) hộ mạng. Giáo Hội nhờ đây mà sáng lẽ công bằng; chơn truyền nhờ đây mà muôn đời giữ vững. Ba cơ quan Cửu Trùng Đài nương cậy vào sự giúp đỡ ở đây như thuyền chạy ngoài khơi nhìn vào ngọn hải đăng mà phòng nguy hiểm. Người đạo hữu nương vào đây như người đi có gậy trợ sức đường trường qua truông vượt suối.
Với trách nhiệm thiêng liêng cao quý, Minh Tra phải được tin cậy hoàn toàn, phải được toàn Đạo cộng tác chân thành và nâng đỡ trọn vẹn. Minh Tra phải có con người thuần hòa thánh thiện, sáng suốt và chân thành làm theo bốn điểm Thánh xưa nhắc nhở:
* Không dụng ý hữu tâm.
* Không nhứt thiết như sở kiến của mình.
* Không quyết cho kỳ được.
* Không vì mình.
Con người như vậy tránh được mọi tranh chấp thị phi, điều hòa được tất cả, làm nên cho tất cả, luôn luôn hàm chứa được sự sống tình thương và lẽ thật.
Ba chi của cơ quan Minh Tra luôn luôn phối hợp tham nghị cùng ba cơ quan Cửu Trùng Đài:
* Chi Pháp coi về Hành Chánh.
* Chi Thế coi về Phước Thiện.
* Chi Đạo coi về Phổ Tế. Phương hướng, chương trình, kế hoạch mỗi cấp đạo đều do bốn cơ quan hiệp nhau đồng tình thực thi chủ trương và đường lối. Mỗi một phận sự khác nhau nhưng cùng một mục tiêu phải đến, cùng một kế hoạch lâu dài vì nhu cầu ích đời lợi Đạo.
Vì vậy Thánh ý ví Phổ Tế, Phước Thiện là hai tay; Hành Chánh, Minh Tra là hai chân. Mọi việc làm đều bởi hai tay, nên hai tay phải đồng đều cân sức, phải hiệp nhau mới làm xong mọi việc. Nhưng đứng vững đi nhanh, lại qua tiến thối là hai chân. Hai chân phải mạnh mới trụ vững thân hình. Hai chân có tới có lui mới làm nên công việc.
Bốn cơ quan phải đồng đều, phải cân đối, phải sít sao chặt chẽ, phải các tận sở năng ([23]) mà cung ứng cho đời một công trình xây dựng.
Bốn cơ quan Tòa Nội Chánh cũng như bốn dòng tu:
* Hành Chánh dòng triều.
* Minh Tra dòng luật.
* Phước Thiện tu phước.
* Phổ Tế tu huệ. Mỗi dòng đều có sự lãnh đạo của riêng mình nhưng cũng vừa làm việc chung của Giáo Hội.
Phước Thiện là phần đời nên nhơn sanh làm chủ. Nhơn sanh tự lập vị tranh công, lần bước lên mười hai phẩm cấp của mình. Chức sắc phái Thái lãnh đạo hộ trì; chức sắc Phước Thiện quản lý điều hành; toàn thể thiện dân có trách nhiệm lo cho cơ quan Phước Thiện.
Phổ Tế là phần đạo nên Hội Thánh chủ trì; chức sắc phái Ngọc đảm đương trách nhiệm. Phổ Tế chia làm hai phần là giữ đạo và truyền đạo, có đủ hệ thống tổ chức lãnh đạo riêng nhưng việc làm cùng chung một chương trình Giáo Hội.
Hành Chánh thuộc phái Thượng. Đây là quyền pháp trị đạo, địa bàn tổng hợp của các cơ quan, mệnh lệnh ban phát từ đây, trên có ba Chánh Phối Sư tham đồng điều khiển.
Minh Tra thuộc hệ thống Hiệp Thiên Đài, làm việc với Cửu Trùng Đài trong Tòa Nội Chánh. Mỗi cấp đạo đều có người của Minh Tra tham đồng hiệp nghị với tư cách bảo pháp của Hiệp Thiên Đài. Các cuộc họp chung của bốn cơ quan hoặc các cuộc họp riêng của mỗi cơ quan ở cấp nào có chức sắc Minh Tra ở cấp đó tham dự.
Tương quan đồng bộ giữa hành pháp và bảo pháp
trong cơ chế bốn cơ quan.
Toà Nội Chánh (Hội Thánh)
Các thánh thất, tịnh thất
Điều nào Minh Tra góp ý mà ba cơ quan Cửu Trùng Đài không nhất trí được thì đôi bên cùng bàn bạc hỗ trợ rõ hơn; hoặc cũng có thể trình lên cấp trên của đôi bên xem xét và tham hiệp ý kiến.
Cơ quan Minh Tra cũng như các cơ quan khác luôn luôn thể tất tương nhượng lẫn nhau, hiểu lòng vì đạo của nhau mà giữ sự thỏa thuận chung. Không một bên nào tự chuyên làm lệch cán cân quyền pháp, thường xuyên có sự hội ý tham khảo ý kiến giữa nhau. Mọi việc bàn bạc đâu đó xong xuôi mới đưa vào hội nghị. Bất cứ một việc gì xét thấy có trở ngại chung cho Giáo Hội, cho nhơn sanh, buộc Minh Tra phải hết lòng góp ý, không được im ẩn hoặc vô trách nhiệm. Mọi trở ngại trên đường đạo là sự bất lực của Minh Tra. Cơ quan nầy phải chịu một phần trách nhiệm.
Trong trường hợp cơ quan Minh Tra thiếu người thì mỗi cấp ít nhất cũng phải có một người trông coi nhiều việc.
Sự liên hệ giữa ba phái, bốn cơ quan trong nền chánh trị đạo là cơ chế quyền pháp. Không vì bất cứ một lý do nào, nếu không bởi sự quyết định của Giáo Hội (hai Đài, ba Phái, bốn Cơ Quan, ba Hội lập quyền) thì không một ai được sửa cải.
5. Hàng giáo phẩm điều hành Giáo Hội
Ba món báu của tôn giáo là Phật, Pháp, Tăng, tức là tam bảo:
* Phật bảo là ngôi trọn lành, đấng giáo chủ thi hành ơn cứu độ.
* Pháp bảo là pháp môn tu tập, giới luật và tổ chức giáo hóa.
* Tăng bảo là hàng xuất gia, thừa hành và bảo trì chánh pháp; trong Cao Đài Giáo, Tăng bảo là hàng giáo phẩm, chức sắc Lưỡng Đài của Giáo Hội.
Tôn giáo là công cuộc giáo hóa nên tôn giáo có Giáo Hội và hàng giáo phẩm để lãnh đạo và điều hành công cuộc giáo hóa đó.
Trừ hàng bảo pháp của Hiệp Thiên Đài, các cấp giáo phẩm Cửu Trùng Đài đều mang chữ Giáo hoặc chữ . (như Giáo Tông, Đầu Sư, Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu). Điều này nêu rõ tinh thần giáo hóa của Giáo Hội.
Giáo hóa những gì? Giáo hóa việc tu hành cho toàn Đạo, tức là dạy đạo.
Dạy đạo là dạy cái quy luật thiên nhiên của trời đất; dạy sự sống tình thương và lẽ thật; dạy cho con người về với tự tánh chơn thường đồng nhất cùng Đạo, cùng Thượng Đế.
Vì vậy hàng giáo phẩm được xem là người hành đạo, tức người chấp hành và phát huy Đạo, đem Đạo hóa độ chúng sanh.
Thầy dạy rằng các đấng Phật Tiên, Thánh Thần là tay chân của Thầy về vô hình; các Thiên ân chức sắc là tay chân của Thầy về hữu hình đem lời nói, đem việc làm, đem sự tu học bản thân mà cảm hóa mọi người.
Nhưng đây cũng là điều khó khăn. Nếu nói mà không làm thì người không tin. Làm mà không y lời nói thì người không phục. Nói và làm không nhất quán thì làm sao cảm hóa được người?!
Vì vậy hàng giáo phẩm Cao Đài phải tu chứng về pháp môn, phải có một trình độ sở đắc tâm linh để thông công cùng Thượng Đế và các đấng Phật Tiên, Thánh Thần. Trong cơ vận hành máy Tạo, phổ hóa chúng sanh bằng lý Thiên nhân hiệp nhất, nếu không hiệp một được với Thầy thì làm sao xứng đáng được gọi là tay chân của Thầy về hữu hình? và quyền pháp bởi đâu mà có để cứu độ chúng sanh?
Quyền pháp là ân điển của Thầy, là sự giác ngộ và tu chứng của người chức sắc, là sự sống tình thương và lẽ thật.
Nơi nào có tình thương, nơi đó có quyền.
Nơi nào cảm hóa được lòng người, nơi đó có pháp.
Quyền pháp là chìa khóa mở cửa tâm linh cho vạn hữu chúng sanh về với Thượng Đế.
Người chức sắc Giáo Hội phải biết khắc kỷ công phu, dày năm tu luyện để khai thông huệ tánh, phát triển huệ tâm, làm ngọn đuốc đưa đường cho chúng sanh mười phương nương theo chánh pháp mà giác ngộ. Khả năng làm cho nhơn sanh giác ngộ là do sự giác ngộ của người chức sắc. Sự giác ngộ ấy chính là cái công phu hàm tàng, tích tụ thần khí trong chỗ thực tu thực chứng, đồng nhất được cùng Thầy mà có uy lực vạn năng thì mới đủ tư cách thế Thiên hành hóa.
Vì vậy Thầy buộc người chức sắc phải là người bồ tát: Đối với bản thân thì luôn tu dưỡng, tinh tấn từng điều. Đối với nhơn sanh thì hết lòng lân mẫn, ngày tháng chăm lo cứu độ.
Chức sắc ở xã đạo lại càng quan trọng hơn vì phải trực tiếp hướng dẫn nhơn sanh, trực tiếp nêu gương đạo đức cho mọi người tu học nên cần phải đủ tư cách cho nhơn sanh thương yêu quý mến. Vì vậy Thầy buộc từ Giáo Sư, Giáo Hữu, Lễ Sanh, Chánh và Phó Trị Sự, Thông Sự phải tâm đức ngang nhau.
6. Quyền hành chức sắc Lưỡng Đài
Cửu Trùng Đài giữ quyền hành pháp, điều hành cơ phổ truyền chơn đạo giáo hóa chúng sanh.
Hiệp Thiên Đài giữ phần thông công và bảo thủ chơn truyền. Bảo thủ chơn truyền đạo pháp thì phải tương quan chặt chẽ với hành pháp. Nơi nào có Cửu Trùng Đài thì nơi đó có Hiệp Thiên Đài. Hành pháp và bảo pháp như hình với bóng.
Vì vậy mà Giáo Hội đặt cơ quan Minh Tra (thuộc Hiệp Thiên Đài) làm việc chung với Cửu Trùng Đài ở Tòa Nội Chánh.
Luật pháp Giáo Hội còn chia hai quyền: lãnh đạo và hành sự.
Quyền lãnh đạo ở Thượng Hội thì quyền hành sự ở Hội Thánh. Đầu Sư cầm đầu Hội Thánh (cơ quan hành sự) nhưng Đầu Sư ở vị trí lãnh đạo Thượng Hội có đủ hai quyền chánh trị và luật lệ, nên luật buộc phải chia quyền hành sự cho ba Chánh Phối Sư giữ ba cơ quan Tòa Nội Chánh.
Giữ phần hành sự thì Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện phải trực tiếp chịu trách nhiệm điều hành cơ quan mình.
Chịu trách nhiệm điều hành nghĩa là phải trực tiếp xây dựng, hướng dẫn cấp dưới giải quyết các việc theo hệ thống của cơ quan, nhưng luôn luôn trình xin sự chấp thuận hoặc hướng dẫn của cấp trên tức là Đầu Sư hay chức sắc ở nhiệm vụ Đầu Sư lãnh đạo Hội Thánh.
Chức sắc ở nhiệm vụ Đầu Sư lãnh đạo Hội Thánh phải quán xuyến cả ba cơ quan, xem cơ quan hành sự mà hướng dẫn, nhưng không hề trực tiếp giải quyết sự vụ của bất cứ cơ quan nào, địa phận nào hoặc sự vụ của chức sắc nào thuộc quyền hành sự của ba cơ quan.
Chức sắc lãnh đạo ở vị trí Đầu Sư có thể buộc các cơ quan giải quyết mọi sự vụ, theo sự hướng dẫn của mình, nhưng nếu trực tiếp giải quyết bất cứ sự vụ nào dầu lớn hay nhỏ của bất cứ cơ quan nào thì đều vi phạm Pháp Chánh Truyền khiến cho chức sắc các cơ quan khó bề hành sự.
Linh hồn của Giáo Hội là sự lãnh đạo của Lưỡng Đài ở Thượng Hội, nhưng sự hoạt động của Giáo Hội phải hình thành tổ chức, tức là Hội Thánh. Thế nên bất cứ hoạt động nào của Giáo Hội cũng nằm trong Hội Thánh. Nằm trong Hội Thánh là nằm trong bốn cơ quan. Thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó điều hành giải quyết.
Vì vậy, nếu có hoạt động nào ngoài bốn cơ quan thì hoạt động đó không nằm trong Hội Thánh.
Các Phối Sư chia đều cho ba cơ quan, phụ tá cho Chánh Phối Sư, giữ các chức vụ tại các cơ quan, thường trực tại Hội Thánh.
Các Giáo Sư cũng chia đều cho ba cơ quan, được bổ nhiệm đi các địa phận lớn, làm việc theo hệ thống cơ quan mình, tùng quyền Chánh Phối Sư và các Phối Sư phụ tá. Giáo Sư chia địa phận cho Giáo Hữu, chịu trách nhiệm về mọi việc đạo trong địa phận của mình.
Giáo Hữu cũng chia đều cho ba cơ quan, tùng quyền Giáo Sư mà hành sự, chịu trách nhiệm mọi việc do Giáo Sư chia cho, hướng dẫn các Lễ Sanh, trông coi các họ đạo, chia địa phận cho các Ban Trị Sự dìu dắt toàn Đạo trong địa phận của mình.
Lễ Sanh được bổ nhiệm làm Đầu Họ thánh thất, hoặc các chức vụ khác của cơ quan, tùng quyền Giáo Hữu mà hành sự, chịu trách nhiệm việc đạo do Giáo Hữu chia cho.
Chức sắc tân phong, các ngành tân tuyển được tập sự tại các cơ quan. Sau một thời gian, tùy theo khả năng mà họ được phân bổ chính thức.
Các cấp, các ngành liên lạc hằng ngày theo hệ thống trực thuộc; mọi việc đều thỉnh thị ý kiến cấp trên. Mọi việc lớn nhỏ xảy ra bất cứ nơi nào thì Hội Thánh cũng cần hay biết. Đồng thời các cơ quan ngành ngang phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ để được đồng bộ trong mọi chương trình chung giữa nhau. Nhờ vậy các kinh nghiệm, sáng kiến nơi nầy nơi khác được bổ túc cho nhau.
Nữ Đầu Sư lãnh đạo Hội Thánh nữ phái, nữ Chánh Phối Sư hành sự, các nữ Phối Sư phụ tá nữ Chánh Phối Sư y như phái nam, song chuyên về giáo hóa phái nữ.
Cơ Quan Hành Chánh, Phổ Tế, Phước Thiện chung cho nam nữ. Phái nữ tùy tài đức và khả năng tham gia phụng sự như phái nam.
7. Chức sắc với việc xây dựng thế gian
Đạo cứu đời là Đạo lành mạnh hóa đời bằng biện pháp tôn giáo. Lành mạnh hóa đời là cốt làm cho đời có đạo, tức làm cho tâm hồn con người được giác ngộ về sự sống tình thương và lẽ thật, ăn ở theo luật thiên nhiên, giữ tròn phẩm vị con người.
Con người là yếu tố duy nhất trong việc xây dựng xã hội. Có con người là có tất cả; mất con người là mất tất cả. Con người tốt thì tất cả đều tốt; con người xấu thì tất cả đều xấu. Con người có thể làm nên; con người cũng có thể làm hư. Kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội là những nhu cầu cần thiết của thế gian; có con người là có tất cả những cái đó. Các nhà chuyên môn đều làm được tất cả những cái đó nhưng họ không giúp được con người giác ngộ điều thiện để bảo tồn sự phát triển thế gian tốt đẹp hơn.
Trái lại, vì thiếu giác ngộ, thiếu đạo đức, không có hướng đi lành mạnh của tâm hồn, con người đã lợi dụng kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội phục vụ cho cá nhân mình, bè phái mình, làm mất ý nghĩa chân thiện của nó.
Tôn giáo đến với con người không phải để làm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, v.v... mà đến để xây dựng con người; để giải thoát con người ra khỏi ràng buộc và cám dỗ về sắc tài danh lợi, mọi kiến hoặc ([24]) mê chấp vô minh; để nâng đỡ con người lên tới một trình độ hoàn thiện. Được vậy, những gì con người dự đến đều tốt đẹp mà không bị những gì đen tối của con người làm vẩn đục.
Khi con người đã giác ngộ, có đủ tư cách, có nhân phẩm hoàn hảo, có đủ công tâm làm lợi lạc chúng sanh, thì nền văn minh nhơn loại tưởng cũng tốt đẹp lắm.
Vì vậy người làm tôn giáo (hàng giáo phẩm của Giáo Hội) nên ý thức sứ mệnh thiêng liêng của mình và quyền pháp cao trọng ở mình; đừng làm cái việc không phải của mình mà quên đi cái việc chính của mình, phù hợp với khả năng của mình và danh dự Giáo Hội.
8. Vị trí người phụ nữ trong nền tân pháp Cao Đài
Nam nữ bình quyền, bình đẳng là xu hướng chung của thế giới ngày nay. Ngày nay người phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội. Họ có mặt khắp các lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, v.v… (Tuy nhiên trên thế giới vẫn còn một số ít dân tộc lấy phong tục tập quán ràng buộc, hạn chế, gây khó khăn cho người phụ nữ.)
Tôn giáo chú trọng về tâm linh, nhìn nhận bản thể Thượng Đế trong con người. Dù nam hay nữ, tự tánh vẫn bình đẳng như nhau, cần được dìu dắt như nhau. Vì vậy từ nghìn xưa, ngoài phần tu học tại gia, người phụ nữ vẫn được vào hàng xuất gia của các tôn giáo; họ là những nữ tu, sa di ni, tỳ kheo ni, v.v…
Tuy vậy trên ý nghĩa đạo pháp, người phụ nữ vẫn chưa được dự vào hàng giáo phẩm như linh mục, đại đức, v.v…
Trong buổi Tam Kỳ đại ân xá, với nền tân pháp Cao Đài, người phụ nữ được đồng đều vị trí với phái nam về mặt sinh hoạt Giáo Hội. Tùy tài năng và tâm đức mà người phụ nữ được giao phó các trách nhiệm như phái nam.
Đặc biệt là phái nữ còn được hình thành một Hội Thánh nữ, tự đảm đương và chịu trách nhiệm hướng dẫn dạy dỗ hàng ngũ phái nữ của mình. Đã hình thành Hội Thánh nữ thì tất nhiên hàng giáo phẩm trong Hội Thánh nữ cũng như Hội Thánh nam, nghĩa là cũng có Đầu Sư lãnh đạo, các Chánh Phối Sư, Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu điều hành, dạy dỗ phái nữ.
Tại cơ sở nhơn sanh cũng có các nữ Chánh và Phó Trị Sự, nữ Thông Sự, quyền hành y như phái nam.
Theo Pháp Chánh Truyền, Đầu Sư nữ được quyền lãnh đạo ở Thượng Hội; nữ Chánh Phối Sư điều hành Hội Thánh nữ, trông nom hướng dẫn hàng chức sắc nữ và cộng đồng, chủ tọa Hội Nhơn Sanh.
Nền tân pháp Cao Đài đã đưa người phụ nữ vào một tinh thần tự chủ, tự quyền, tự lập, và người phụ nữ chiếm địa vị quan trọng trong hàng giáo phẩm của Giáo Hội. Tưởng đây cũng là điều đặc biệt mới mẻ vậy.
ĐẠT ĐỨC




([1]) Ấu Học Quỳnh Lâm 幼學瓊林 do Trình Đăng Cát 程登吉 đời Minh (1308-1644) soạn, rồi Trâu Thánh Mạch 鄒聖脈 đời Thanh (1644-1911) viết phần tăng bổ.
([2]) Bản in đá (khoảng 15x26cm) của nhà sách Thiên Bảo, gồm bốn quyển. Quyển hai có mười hai chương. Chương Thân Thể (trang 21) có hai câu dẫn trên. Sách do Quảng Ích Thư Cục phát hành (Thượng Hải, 1912).
([3]) 高如北闕人瞻仰. 臺在南方道統傳.
([4]) 靈霄一塔是高臺 / 大會仙此玉階 / 萬丈毫光從此出 / 古名寶景樂天台: Tháp Linh Tiêu là một cái đài cao / Đại hội các vị Tiên (diễn ra) ở trước bệ ngọc này / Hào quang từ chỗ này phóng ra xa muôn trượng / Xưa gọi tên cảnh quý báu này là Lạc Thiên Thai. (Đại Đạo Văn Uyển, tập Nguyên, Nhâm Thìn 2012, tr. 122.)
([5]) Cơ chỉ 基趾: Nền móng.
([6]) Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhất bổn. 一本散萬殊,萬殊歸一本. Một gốc phân ra muôn sai biệt, muôn sai biệt trở về một gốc.
([7]) 非古而古. 非今而今. 非古非今,而古而今, 中一是高台. Không xưa mà xưa. Không nay mà nay. Không xưa không nay, mà xưa mà nay, trung nhất là Cao Đài.
([8]) Nhân dục tịnh tận, Thiên lý lưu hành. 人欲凈盡天理流行. Lòng ham muốn của con người sạch hết thì lẽ Trời lưu hành.
([9]) Đức Chí Tôn dạy: “Quân bình tâm vật kỷ cương, Thần hình câu diệu, tứ phương cộng đồng.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, ngày 29-02 Mậu Ngọ)
([10]) Vô danh, thiên địa chi thủy; hữu danh, vạn vật chi mẫu.
無名, 天地之始; 有名, 萬物之母. (Đạo Đức Kinh, chương 1)
([11]) Hư không 虛空: ākāśa; thức 識: vijñāna.
([12]) Tuân Tử (Vương Chế): Thủy hỏa hữu khí nhi vô sinh, thảo mộc hữu sinh nhi vô tri, cầm thú hữu tri nhi vô nghĩa, nhân hữu khí, hữu sinh, hữu tri, diệc thả hữu nghĩa, cố tối vi thiên hạ quý dã. 水火有氣而無生, 草木有生而無知, 禽獸有知而 無義, 人有氣, 有生, 有知, 亦且有義, 故最為天下貴也.
([13]) Sáu căn: Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu thức: Cái biết của mắt do nhìn thấy, cái biết của tai do nghe thấy, cái biết của mũi do ngửi thấy, cái biết của lưỡi do nếm thấy, cái biết của da thịt do cọ xát (đụng chạm), cái biết của ý do tư tưởng (suy nghĩ).
([14]) Thánh giáo: “Có cái này, cái kia mới có / Do cái này, cái nọ mới sanh / Trong vòng lẩn quẩn loanh quanh / Bao giờ thoát khỏi tử sanh luân hồi.” (Ðức Bác Nhã Thiền Sư.)
([15]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 149. (Quyển 36-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([16]) Xem minh họa.
([17]) Xem minh họa.
([18]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Tòa Thánh Tây Ninh, 1973, tr. 105.
([19]) Pháp Chánh Truyền. (XI. Quyền Hành Thông Sự.)
([20]) Tức là thời đại hoàng kim (the golden age).
([21]) Tu tánh bất tu mạng, thử thị tu hành đệ nhất bệnh. Tu mạng bất tu tánh, vạn kiếp anh linh nan nhập thánh. 修性不修命, 此是修行第一病. 修命不修性, 萬劫英靈難入聖.
([22]) Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã, phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học. (Chư Cát Lượng, Giới Tử Thư)
夫學須靜也, 才須學也, 非學無以廣才, 非志無以成學. (諸葛亮, 誡子書)
([23]) Các tận sở năng 各盡所能: Mỗi người làm hết sức theo khả năng của mình.
([24]) Kiến hoặc 見惑: Cái thấy sai lầm. Thí dụ, đời là vô thường (không bền vững) lại thấy là hằng thường (bền vững), như vậy là kiến hoặc.